Bản Để In

Sau thoái vốn, có nên “thoái sức” Nhà nước?

(Chinhphu.vn) – Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp cuối kỳ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, đại diện cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ về một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế.

12/01/2014 03:25
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014. Ảnh: TTXVN.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2014 (VBF) sẽ diễn ra trong ngày 2/12 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự sự kiện này. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cũng là đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – một trong các đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn -  đây là một tin mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp sau sự kiện đích thân người đứng đầu Chính phủ dự hội nghị đối thoại với doanh nghiệp hồi đầu năm nay.

Tại Diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cơ hội đề xuất hàng loạt kiến nghị chính sách và những kiến nghị này không nằm ngòai mục tiêu đã được Chính phủ nhắm đến trong rất nhiều động thái quyết liệt: Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cho rằng qua các kỳ VBF, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được cơ quan hoạch định chính sách lắng nghe, Chủ tịch VCCI nhắc lại những đánh giá cao tại nhiều diễn đàn về những động thái cải cách quyết liệt của Chính phủ suốt thời gian qua, như tập trung cải cách hành chính, trình Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Lộc rất ấn tượng với quan điểm đã được Chính phủ xác quyết trong cải cách hành chính, cải cách thể chế, đó là lấy chuẩn mực quốc tế để áp dụng cho Việt Nam, mà cụ thể nhất là mục tiêu về thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, thành lập doanh nghiệp… đạt mức trung bình của nhóm ASEAN6 vào năm 2015.

Trên cơ sở đó, ông đề nghị tiến hành hai giải pháp tiếp theo. Đầu tiên là giải pháp mà ông Lộc gọi là “thoái sức nhà nước” trong cung cấp dịch vụ công, song song với việc thoái vốn nhà nước trong các DNNN thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa và giảm bớt phần vốn nhà nước trong đầu tư công thông qua PPP. Cải cách hành chính đã theo chuẩn mực của ASEAN 6, ông Lộc cho rằng dịch vụ công cũng nên như thế.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng hiện bộ máy nhà nước hiện quá “ôm đồm” với một nguồn ngân sách và nhân lực có hạn. Trong khi đó, có rất nhiều việc mà Nhà nước phải tăng cường hơn, làm tốt hơn trong thời gian tới như hoạch định chính sách, tiến hành thanh tra, kiểm tra… để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.

Có rất nhiều dịch vụ công mà Nhà nước có thể chuyển giao cho xã hội làm, chẳng hạn việc đào tạo doanh nghiệp, cấp các chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vực như y tế, luật… có thể giao cho các hiệp hội. Việc xúc tiến thương mại có thể trao vai trò chủ trì cho VCCI, tương tự như mô hình của Singapore.

“Các hiệp hội doanh nghiệp vừa có chuyên môn sâu, hiểu biết đầy đủ về lĩnh vực này, vừa có động lực để làm bởi nó gắn với lợi ích của doanh nghiệp, lại vừa có thể có nguồn lực để làm bằng đóng góp của chính doanh nghiệp”, ông Lộc nói. Từ đó, cơ quan nhà nước có thể tập trung nguồn lực để làm tốt hơn những việc mà ngoài nhà nước ra không ai có thể làm được. “Nhà nước phục vụ là đúng, nhưng phục vụ không có nghĩa là Nhà nước đi làm tất cả mọi việc, quan trọng là Nhà nước tạo môi trường sao cho các dịch vụ được cung cấp cho người dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”.

Điểm thấp nhất của năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Vấn đề lớn thứ hai được Chủ tịch VCCI đề cập là vấn đề cải cách tư pháp. Ông Lộc cho biết khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy điểm thấp của các địa phương đa phần là trong lĩnh vực thiết chế pháp lý.

Khi môi trường kinh doanh đã ngày càng thêm thuận lợi và bình đẳng, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến sự  an toàn. Trước đây, khi doanh nghiệp làm ăn chụp giật, nay mua mai bán thì họ không lo ngại lắm các rủi ro pháp lý, nhưng với xu hướng làm ăn căn cơ, bền vững hiện nay, thì vấn đề an toàn pháp lý, gắn liền với cải cách tư pháp, được đặt lên hàng đầu.

“Vừa rồi có lái xe taxi cho tôi hay đang muốn mua một miếng đất nhưng lại sợ bị lừa, không biết miếng đất có thật là của người bán hay không. Câu chuyện cho thấy người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch lớn rất lo lắng, cho thấy môi trường kinh doanh chưa an toàn”, ông Lộc nhận xét. “Khi xảy ra tranh chấp thì người dân và doanh nghiệp lo ngại cơ quan chức năng xử lý có kịp thời không, sau đó nếu xét xử kịp thời thì có công bằng hay không và sau nữa, khi xử xong rồi thì thi hành có hiệu lực hay không?”

Tương tự cách tiếp cận khi xem xét câu chuyện dịch vụ công, ông Lộc đề nghị Nhà nước có các chính sách tăng cường vai trò trọng tài, hòa giải của các hiệp hội, các tổ chức trọng tài khi xảy ra tranh chấp thương mại. Điều này không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn giúp các cơ quan nhà nước, cụ thể là tòa án, giảm gánh nặng công việc để tập trung vào những nhiệm vụ khác.

Nhìn tổng thể, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng trong 3 khâu đột phá chiến lược, thì phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực vừa phải có kinh phí, vừa cần thời gian. Trong khi đó, việc cải cách thể chế với định hướng “thoái sức” nhà nước như trên không chỉ có thể làm ngay mà còn giúp tiết giảm chi phí của nhà nước để dành cho các lĩnh vực khác. Đó là một mũi tên trúng nhiều đích.

“Có doanh nghiệp đã chia sẻ với tôi, chúng ta có thể đạt mức bình quân về giờ nộp thuế của ASEAN 6, liệu có thể đạt mức bình quân của họ về số người hưởng lương từ ngân sách không?”, ông Lộc cho hay.

Trên thực tế, đề xuất trên của ông Lộc về dịch vụ công cũng đã được nhắc tới trong Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng. Tại Chỉ thị về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, Thủ tướng đã yêu cầu nghiên cứu chuyển giao một số dịch vụ công có đủ điều kiện cho VCCI thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Trong thông điệp đầu năm mới 2014 mở đầu cho một năm đẩy mạnh cải cách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến một quan điểm mới mẻ: Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, không làm thay dân mà tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Đó là quan điểm xuyên suốt qua những giải pháp cải cách mà Chính phủ đã triển khai quyết liệt trong suốt thời gian qua. Có lẽ cần phải nghiên cứu thấu đáo và cẩn trọng hơn về việc đẩy mạnh “thoái sức” nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công hay cải cách tư pháp, nhưng rõ ràng đề xuất đó cũng nằm trong mạch tư duy mới về vai trò của Nhà nước, của thị trường và xã hội.

Thành Đạt