chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư của tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến |
Ngày 1/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư của tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Quảng Ninh nêu 5 vướng mắc về đầu tư công
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, công tác triển khai dự án sử dụng vốn đầu tư công của tỉnh đang phải đối mặt với 5 “chướng ngại vật”.
Thứ nhất, việc thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 trên thực tế rất khó khăn vì khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của kế hoạch. Đồng thời, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và Hội đồng nhân dân chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn.
Thứ hai, định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc UBND các cấp (như Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực...) đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị sửa đổi định nghĩa này tại Điểm a Khoản 1 Điều 24; Điểm a Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công.
Thứ ba, thực tế đang cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, do điều chỉnh một trong số các nội dung sau: Thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... Vì vậy, bổ sung “Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” sẽ giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm quy định.
Thứ tư là vướng về chi đầu tư phát triển đối với cấp xã. HĐND cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công vốn ngân sách cấp xã theo Khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, “Cấp xã không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng”, ông Dương nêu. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với Bộ Xây dựng để có thông tư liên tịch hướng dẫn chi đầu tư phát triển đối với cấp xã.
Thứ năm, phân khai chi tiết, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm cũng đang tồn tại điểm bất cập. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, kế hoạch cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và phải thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu. Theo quy định, tất cả các nội dung điều chỉnh đều phải được HĐND cùng cấp thông qua, trong khi đó việc tổ chức một cuộc họp của HĐND (định kỳ hay bất thường) cần phải có thời gian chuẩn bị nhất định, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc điều chỉnh, phân khai vốn trong năm kế hoạch.
“Vì vậy, đề nghị xem xét, cho phép thực hiện cơ chế: Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất”, đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị.
Dự án ngoài ngân sách bị ảnh hưởng bởi 13 tồn tại
Bên cạnh những vướng mắc trong hoạt động đầu tư dùng nguồn vốn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh đã nêu rõ các vấn đề khi triển khai dự án ngoài ngân sách.
Năm điểm hạn chế đầu tiên là: (1) Chưa hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; (2) Chưa thống nhất trong cách hiểu về “Dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; (3) Vướng về cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ; (4) Thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án; (5) Bất cập về thủ tục chấp thuận nhà đầu tư.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng phân tích rõ 7 băn khoăn trong qua trình thực hiện dự án ngoài ngân sách. Đó là: (1) Lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa có đất sạch tại các địa bàn có giá trị thương mại cao, trung tâm khu dân cư có thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu hay không?; (2) Trường hợp nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tiếp tục vi phạm, tuy nhiên nguyên nhân là do cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính, thì có được tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hay không?; (3) Chưa có quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác; (4) Chưa ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; (5) Chưa có hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có một phần đất do nhà nước quản lý và một phần đất phải thực hiện GPMB đối với các dự án sử dụng đất thương mại, dịch vụ; (6) Chưa có hướng dẫn thủ tục cho phép chuyển mục đich sử dụng đất khác sang làm đất ở thực hiện trước hay sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; (7) Chưa có hướng dẫn việc thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10%, thay đổi tổng vốn đầu tư từ mức 20% trở lên là so với chủ trương ban đầu được duyệt hay so với chủ trương điều chỉnh trước đó?.
Cuối cùng là tồn tại đến từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể dự án khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Sẽ sớm sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tại địa phương
Sau khi nghe UBND tỉnh Quảng Ninh trình bày các “nút thắt” khiến triển khai dự án đầu tư tại địa phương gặp nhiều khó khăn, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ghi nhận, giải đáp ngay các thắc mắc, cũng như trả lời thẳng thắn các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, dù cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện nhưng chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và đã nảy sinh nhiều cách hiểu khác nhau về các quy định.
“Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”, Thứ trưởng cho biết.
Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công; 13 nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Nội dung nào đúng, chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ có thể sửa đổi”.
Trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm giải quyết những thách thức trong tình hình mới./.
Minh Ngọc