chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung còn thấp cả về thứ hạng và điểm số. Một số chỉ tiêu chưa đạt được mức cải thiện theo yêu cầu của Chính phủ.
Những điển hình tích cực
Trên thực tế, việc thực thi Nghị quyết đạt hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các Bộ trưởng. Cách đây khoảng nửa tháng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo miễn thủ tục kiểm dịch thực vật cho mặt hàng đất sét, cao lanh, khoáng sét khi nhập khẩu, chỉ vài ngày sau khi có ý kiến của Tổng cục Hải quan về vướng mắc của doanh nghiệp.
Động thái “thần tốc” này chỉ là một phần trong những nỗ lực đã được ghi nhận của Bộ NNPTNT. Báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh đã nhắc tới Bộ NNPTNT, cùng với Bộ GTVT, như những điển hình tích cực, chủ động trong việc thực thi Nghị quyết 19. Cần nhắc lại rằng kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó có thủ tục kiểm dịch, chính là một trong hai lĩnh vực trọng tâm cải cách của Nghị quyết.
Lĩnh vực còn lại là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh và trên lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhớ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi ông kiên quyết yêu cầu bãi bỏ thủ tục các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh phải xin phép các Sở GTVT.
“Cả hai Bộ trưởng đều nhận thức rất rõ ràng yêu cầu phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng gây ấn tượng bởi sự quyết liệt, thì Bộ trưởng Cao Đức Phát lại có những hành động mang tính toàn diện hơn, hệ thống hơn”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét.
Được biết, Bộ NNPTNT đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các điều kiện kinh doanh và một phần lớn các quy định về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời phân loại cụ thể quy định nào dự kiến bãi bỏ, quy định nào giữ nguyên, quy định nào phải bổ sung, sửa đổi.
Một động thái khác cũng rất đáng chú ý là Bộ đã phân loại, xác định tên các loại hàng hóa gắn với mã HS trong kiểm dịch động thực vật, điều này tạo sự minh bạch và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhiều điểm đột phá trong dự thảo mới
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành về cơ bản chưa có nhiều cải thiện. Mặc dù Nghị quyết 19 đã yêu cầu phải “cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm”, đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ của từng bộ.
Giải thích điều này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là những lĩnh vực rất quan trọng, tác động mạnh mẽ tới phần lớn các doanh nghiệp, nhưng lại liên quan đến hầu hết các bộ, do đó cần một chuyển động rất đồng bộ, đồng tốc. Bên cạnh đó, số lượng các văn bản quy định trong hai lĩnh vực cũng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, lại được ban hành trong thời gian rất dài, nên kiểm soát, xử lý không hề dễ.
Trước thực trạng những kết quả đã đạt được và những hạn chế nói trên, hiện dự thảo Nghị quyết 19 mới đã được trình Chính phủ và còn phải qua nhiều chỉnh sửa, song một số định hướng lớn đã được xác định khá rõ.
Trước hết, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy các nhiệm vụ chưa hoàn thành, củng cố các kết quả đã đạt được, dự thảo Nghị quyết mới có tầm nhìn dài hạn hơn, tới năm 2020 cả về mục tiêu và giải pháp.
“Chẳng hạn trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, việc sửa đổi các quy định đã khó, nhưng cũng có thể xong trong vài tháng, còn nâng cao năng lực về chuyên môn, bộ máy, cơ sở vật chất… phải mất ít nhất hàng năm và đòi hỏi phải có đầu tư”, TS Nguyễn Đình Cung – một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo, lý giải.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm.
Trong từng lĩnh vực cũng có những giải pháp mang tính đột phá. Ví dụ với kiểm tra chuyên ngành, dự kiến Nghị quyết sẽ yêu cầu chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ giai đoạn thông quan hiện nay sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm dịch đối với trường hợp mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao). Nếu được thực hiện, giải pháp này sẽ thay đổi căn bản phương thức và rút ngắn mạnh thời gian thông quan hàng hóa.
Dự thảo Nghị quyết 19 mới cũng nhấn mạnh yêu cầu thực thi. Theo TS Nguyễn Đình Cung, do những hạn chế trong việc thực thi mà các nỗ lực cải cách thể chế tại Việt Nam thời gian qua đã không thể hiện được hết trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Một điểm mới khác là ngòai 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) trong Nghị quyết năm 2015, dự thảo Nghị quyết mới còn mở rộng thêm một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), như chỉ số hiệu lực chính sách cạnh tranh, hạn chế rào cản phi thuế quan, mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính…
Hà Chính