chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Báo cáo cho rằng, giai đoạn 2015-2016 được xem là thời kỳ chuyển giao bởi giai đoạn này nằm giữa hai kỳ kế hoạch 5 năm. Đây cũng là thời kỳ chuyển từ giai đoạn 2011-2015 với đặc trưng ổn định và phục hồi sang giai đoạn 2016-2020 với đặc trưng cải cách và phát triển. Nếu giai đoạn 2011-2015, ưu tiên của nền kinh tế được tập trung cho kinh tế vĩ mô thì giai đoạn 2016-2020 nên tập trung cho cải cách vi mô.
Từ nhận định trên, dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 có khả năng đạt mức 6,82%; lạm phát ở mức 4,37% và tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 10,4%. Báo cáo đánh giá tăng trưởng của năm 2016 sẽ có động lực từ việc tiếp nối đà cải cách vi mô và tái cơ cấu nền kinh tế, trên thực tế có thể rõ nét hơn từ nửa cuối của năm 2016. Bên cạnh đó, quy mô đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng. Do triển vọng của nền kinh tế và môi trường đầu tư thông thoáng hơn nên đầu tư tư nhân, vốn FDI được trông đợi sẽ tăng mạnh. Đầu tư công cũng có thể tăng nhanh. Một đặc trưng của năm 2016 là do sự tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế với cải cách trong nước nên cơ hội trên thực tế còn có thể lớn hơn.
Để có thể tận dụng được các cơ hội, báo cáo đề xuất cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách thực chất theo hướng giảm tính chi phối của chính sách tài khóa và ổn định lạm phát nên được coi là ưu tiên cao nhất của chính sách tiền tệ. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết.
Thanh Hằng