Bản Để In

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục nằm trong nhóm đứng đầu so với các vùng miền khác của cả nước về môi trường kinh doanh năm 2018.

05/30/2019 08:33

Tuy đã có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng  nhiều địa phương trong vùng vẫn chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được và đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dù ở lần công bố vừa qua, Đồng Tháp vươn lên vị trí Á quân và có đến 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm trước, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn chưa thật sự hài lòng vì vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa...

Cũng theo ông Dương, với bất kỳ dự án nào, nhà đầu tư nào, lãnh đạo tỉnh cũng đón tiếp đầu tiên để cho chủ trương. Sau đó phân công các ngành chức năng hỗ trợ thực hiện các phần việc theo hướng có lợi nhất cho nhà đầu tư. 

Để đạt được mục tiêu này, Đồng Tháp xác định sẽ tiếp tục cải tiến mạnh mẽ trong thực thi chính sách, triển khai bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành và UBND cấp huyện để ghi nhận phản ánh và ý kiến của doanh nghiệp về chất lượng điều hành. Tỉnh cũng tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo, không để hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu.

Đồng Tháp xác định, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) là một trong những nỗ lực củng cố và nâng cao chất lượng, nhằm tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do đó, khi xây dựng bộ chỉ số này, tỉnh đã tham vấn VCCI Cần Thơ và các đơn vị, địa phương liên quan để bám sát những vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất...

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Cần Thơ, trong năm 2018, thành phố Cần Thơ xếp hạng 11/63 tỉnh thành phố trong cả nước, giảm một bậc so với năm 2017 nhưng tăng 4 bậc so với năm 2014, với tổng số điểm là 64,98 điểm, đứng thứ 5/13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo ông Hồng, trong thời gian tới, Tp. Cần Thơ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của thành phố; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.

Thành phố sẽ đặt trọng tâm vào các nội dung cải thiện cả về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... 

Mặt khác, Tp. Cần Thơ cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ môi trường pháp lý, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả cho thành phố, hỗ trợ tốt cho khởi sự doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định gắn với đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thị trường hàng hóa, dịch vụ và cạnh tranh công bằng...

Theo bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong năm 2018 các địa phương của cả vùng đều năng động cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư mới cũng như: thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cho phát triển kinh tế nói chung của vùng. 

Bà Võ Thị Thu Hương cũng cho biết, để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng cần thay đổi tư duy, thái độ, năng lực quản lý, điều hành công việc của cán bộ. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính để bắt kịp xu thế công nghệ thông tin của các doanh nghiệp địa phương. Các tỉnh thành trong vùng cần chọn môi trường kinh doanh là điểm nhấn, là thế mạnh để tăng cường về số lượng và chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động (khu vực tư nhân), đặc biệt phục vụ cho lực lượng doanh nghiệp trẻ, quan tâm đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp….

Theo VCCI Cần Thơ, năm 2018 điểm số PCI trung bình của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là 64,31 điểm, tiếp tục đứng đầu cả nước và cao hơn năm 2017 là 0,91 điểm. Toàn vùng có 4 tỉnh có chỉ số PCI nằm trong top 10 địa phương cả nước đó là: Đồng Tháp đứng thứ 2, Long An thứ 3, Bến Tre thứ 4 và Vĩnh Long thứ 8.

Điểm mạnh nhất của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số thành phần đứng đầu cả nước trong năm 2018 đó là: các điểm số về tiếp cận đất đai , điểm số về chi phí thời gian, điểm số về chi phí không chính thức, điểm số cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của lãnh đạo…

Điểm yếu nhất của vùng đó là điểm số về đào tạo lao động. Năm 2018, điểm số này của vùng nằm trong top cuối so với các vùng miền khác trong cả nước. Chỉ số gia nhập thị trường đứng hàng thứ 5, chỉ trên được vùng Tây Nguyên, đồng thời  điểm số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 nằm trong top cuối cả nước thì trong năm 2018 đã tăng lên xếp hàng thứ 3, sau khu vực Đông Nam bộ và khu vực duyên hải miền Trung, tuy nhiên đây cũng còn là điểm yếu của vùng cần tiếp tục cải thiện./.

Theo TTXVN