chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác thăm và làm việc tại Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên. Ảnh: VGP |
Những năm gần đây, quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về hoạt động của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay cũng như những chính sách hỗ trợ mà tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng để kịp thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch.
Xin ông cho biết, tại Thái Nguyên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI gặp những khó khăn như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?
Ông Trịnh Việt Hùng: Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các DN tại Việt Nam, bao gồm cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất quá cao cộng với việc áp dụng quy định phòng, chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương, nguy cơ thiếu lao động tạm thời hoặc thiếu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; doanh thu tiêu thụ sản phẩm suy giảm...
Tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả 8 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Hiện nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn đạt những kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2021, cụ thể: Giá trị xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 18,27 tỷ USD, tăng 5,75% so với cùng kỳ; Giá trị nhập khẩu ước đạt 10,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lũy kế đến 20/9/2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 169 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 8,7 tỷ USD, tạo việc làm cho 102.000 lao động, nộp ngân sách 8 tháng đạt trên 2.230 tỷ đồng (chiếm 25,4% tổng thu nội địa toàn tỉnh 8 tháng đầu năm). Trong 8 tháng đầu năm 2021 vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 150 triệu USD. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là khoảng 7.561,4 triệu USD, chiếm 86,61% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thưa ông, trong những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, phải kể đến gói chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thái Nguyên đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua khó khăn, tiếp cận tốt với các gói hỗ trợ? Ngoài chính sách của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết những khó khăn và tạo ưu đãi, môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI như thế nào?
Ông Trịnh Việt Hùng: Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều hoạt động triển khai kịp thời đến người nộp thuế.
Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thuế tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP tới toàn thể người nộp thuế. Tại từng địa bàn quản lý thuế, cơ quan thuế chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định. Thông tin tuyên truyền được cập nhật thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, bảo đảm người nộp thuế tiếp cận được và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.
Với nền tảng chuyển đổi số mạnh mẽ của tỉnh (Thái Nguyên đã cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức độ 4 đủ điều kiện), để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cơ quan thuế cũng đã kịp thời chuẩn bị hạ tầng kĩ thuật cần thiết để hỗ trợ người nộp thuế lập và gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất bằng phương thức điện tử.
Các cơ quan liên quan như Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước cũng đã chủ động phối hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ nói chung và chính sách gia hạn các khoản nộp NSNN nói riêng. Tính đến 30/7/2021 (ngày hết hạn gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP) Cục Thuế Thái Nguyên đã nhận được 1.164 Giấy đề nghị gia hạn.
Ngoài chính sách của Chính phủ, để đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thêm nhiều giải pháp.
Cụ thể, Thái Nguyên ưu tiên tiêm vaccine cho chuyên gia và công nhân của các doanh nghiệp FDI. Tổng số chuyên gia và công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã được tiêm vaccine phòng COVID- 19 đến thời điểm này là 13.880 người, chiếm 16% tổng số người được tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh…
Đối với các dự án lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho các ngành hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Đối với dự án FDI lớn như dự án của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam (vốn đầu tư dự kiến trên 6.000 tỷ đồng) đang tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh thành lập Tổ Hỗ trợ triển khai dự án do Trưởng ban quản lý các KCN làm tổ trưởng và thành viên là giám đốc các sở, ngành liên quan để hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, định kỳ hằng tuần báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất sau một thời gian triển khai.
Để thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thái Nguyên có chiến lược và giải pháp như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động đến tất cả các quốc gia cũng như hoạt động của doanh nghiệp trong nước như hiện nay?
Ông Trịnh Việt Hùng: Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của tỉnh đã ban hành có liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, điện, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp. Tỉnh đang tiến hành các thủ tục để mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư gần 3.193 tỷ đồng, gồm Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên; cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công; cụm công nghiệp Thượng Đình, Hạnh Phúc - Xuân Phương thuộc huyện Phú Bình…
Một trong các giải pháp mà Thái Nguyên đang thực hiện là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư. Xây dựng tài liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư.
Thái Nguyên chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời giải quyết, tạo lập và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đã và đang thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh.
Cùng với đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn trong Khu công nghiệp, để nâng cao khả năng đáp ứng việc sử dụng lao động hiệu quả nhất.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng kiểm tra đôn đốc tiến độ dự án trên địa bàn Thị xã Phổ Yên. |
Các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần thực hiện liên kết doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể chuyển giao công nghệ có hiệu quả từ khu vực FDI. Tỉnh Thái Nguyên có thuận lợi gì nếu chúng ta thực hiện liên kết này tại tỉnh?
Ông Trịnh Việt Hùng: Để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng thì các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ đề ra các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ lao động... đáp ứng được yêu cầu về đối tác hợp tác của các doanh nghiệp FDI và tạo điều kiện cung cấp thông tin, chắp nối để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ngay từ khi họ đang tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam.
Đối với riêng tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có nhiều thuận lợi để thực hiện liên kết các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh. Đến 13/9/2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 7.871 doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Đáng chú ý, trong năm 2020, Thái Nguyên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số. Đây là quyết tâm chính trị, thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt thời cơ của toàn Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng xã hội và người dân tỉnh Thái Nguyên để mở ra những cơ hội phát triển mới trong công tác quản lý của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, là bước đi phù hợp với xu thế của đất nước, khu vực và thế giới. Tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức độ 4 đủ điều kiện; có Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng nền tảng công dân số “C-Thainguyen”. Hệ thống chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều vững như kiềng 3 chân và đang đi đúng chiến lược, mục tiêu đưa Thái Nguyên nằm trong Top đầu của cả nước về chuyển đổi số. Những cam kết đổi mới đang được hiện thực hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp FDI.
Ông có kiến nghị gì đối với Chính phủ để khuyến khích thu hút FDI cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thái Nguyên nói riêng?
Ông Trịnh Việt Hùng: Để khuyến khích thu hút FDI cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư trên địa bàn Thái Nguyên, tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên bổ sung vaccine để tỉnh triển khai tiêm cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong khu công nghiệp để nâng cao khả năng kiểm soát, phòng chống dịch, duy trì chuỗi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng thời nghiên cứu định hướng chính sách để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc vùng hoặc đảm nhận vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu trong chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp gây khó khăn, vướng mắc, ách tắc, cản trở ảnh hướng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và sự phát triển chung của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)