Bản Để In

Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng: Bớt cơ hội ‘hành’ dân

(Chinhphu.vn) – Chuyên gia đánh giá việc bỏ thủ tục cấp phép xây dựng với nhà ở riêng lẻ là chủ trương tốt, khi không nhất thiết phải quy định, yêu cầu quá kỹ lưỡng với nhiều thủ tục rồi cuối cùng người dân phải tốn kém thêm chi phí mà chính quyền lại bị mang tiếng là “hành” dân.

08/10/2017 10:57

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TPHCM trước những chủ trương mới của UBND TPHCM. Theo đó, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương thí điểm bỏ thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Người dân hoàn thiện hồ sơ, chỉ cần đăng ký xây dựng với cơ quan quản lý  Nhà nước về xây dựng.  Tuy nhiên, việc thí điểm chỉ áp dụng đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng...).

Cùng với đó là triển khai thí điểm cơ chế “một cửa liên thông”. Theo đó, cả 3 bước thẩm định cấp phép cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng (GPXD) sẽ diễn ra cùng một lúc; cá nhân, tổ chức chỉ cần nộp hồ sơ đúng theo quy định và nhận kết quả tại Sở Xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Đực.

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết: Thông thường, với mỗi lần nộp hồ sơ xin GPXD nhà ở riêng lẻ, người dân phải đợi từ 1 tháng đến 2 tháng. Đồng thời, họ phải bỏ ra chi phí trên 10 triệu đồng chi cho các bản vẽ bao gồm tiền thiết kế và “thủ tục” nói chung.

Tôi nhớ có những giai đoạn, các cơ quan quản lý chỉ vì một vài sự cố trong hàng trăm, hàng triệu công trình, lại trở nên thận trọng hơn, yêu cầu phải có bản vẽ kiến trúc đầy đủ, bảng vẽ kết cấu, móng, cột… Thậm chí yêu cầu người dân phải có hồ sơ khảo sát địa chất, gây rất nhiều khó khăn, khổ sở cho người dân.

Mặt khác, theo tôi biết, phần nhiều những bản vẽ đó chỉ mang tính chất đối phó, làm cho có, làm cho đủ. Thực tế người dân xây như thế nào thì không ai biết cũng không kiểm tra được hết, vì mỗi quận có hàng trăm căn nhà phố đang xây dựng thì các cơ quan chức năng hiện cũng không đủ người và không đủ chuyên môn để làm việc đó. Chính vì vậy, việc bỏ cấp GPXD lần này giúp cho người dân bỏ đi được rất nhiều thủ tục phiền hà.

Bên cạnh đó, việc làm này nếu được thực hiện thành công sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực trong quá trình cấp phép. Để làm một bộ hồ sơ xin giấy phép, nhiều người dân vì lo ngại thủ tục đã chi cho “cò” tới mười mấy triệu đồng với mong muốn sẽ xin được giấy phép nhanh chóng hơn, gây tiếng xấu cho cán bộ mặc dù có thể tiền đó chỉ do cấp nhân viên nhận.

Bên cạnh chủ trương thí  điểm bỏ cấp GPXD cho nhà ở riêng lẻ, UBND TPHCM còn có chỉ đạo về việc triển khai thí điểm quy trình một cửa liên thông. Theo ông, quy định này có mang lại nhiều ý nghĩa không?

Ông Nguyễn Văn Đực: Theo đánh giá của tôi đây cũng là một điều tốt, nhưng tính hiệu quả không cao. Luật Xây dựng quy định quy trình cấp GPXD đối với những công trình có quy mô lớn (bệnh viện, trường học, chung cư cao tầng…) phải qua 3 bước tuần tự: Thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, và cuối cùng là GPXD. Thì bây giờ Sở Xây dựng TPHCM có một sáng kiến gộp lại thành “3 trong 1”. Nhưng thực tế, đây vẫn là 3 bộ phận tách rời, 3 đơn vị thụ lý và xét duyệt, doanh nghiệp (DN) vẫn phải làm 3 bộ hồ sơ.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, Thành phố hiện có khoảng 92.000 ha đất đô thị, trong đó chỉ khoảng 30.000 ha có quy hoạch tỷ lệ 1/500 và kết quả này phải mất 24 năm mới đạt được. Theo ông Toàn, việc chậm trễ quy hoạch tỷ lệ 1/500 là do cứ 5 năm phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 một lần, vì thế tỷ lệ 1/500 cũng phải được điều chỉnh theo. 

Chẳng qua là thúc ép, thay vì lộ trình 3 bước được thực hiện trong 122 ngày thì bây giờ “ép” lại trong 42 ngày, nhưng cũng không có cơ sở gì để nói chỉ 42 ngày DN có thể được nhận giấy phép. Do trong quá trình làm có thể nảy sinh nhiều vấn đề cần xử lý, bổ sung, mỗi bộ phận không thể giải quyết thay công việc của nhau và tổng thời có thể vẫn kéo dài ra.

Vậy hiện tại thời gian duyệt quy hoạch 1/500 có nhanh chóng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Việc duyệt quy hoạch 1/500 thực tế khá chậm trễ, chính tôi cũng đang làm một hồ sơ xin duyệt quy hoạch 1/500, thời gian từ lúc nộp hồ sơ tại quận, lên Sở Quy hoạch-Kiến trúc và cuối cùng là cấp Thành phố, đến giờ đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được duyệt.

Có một điều rất khó hiểu là trong khi quận và Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã đồng ý với các nội dung sửa đổi, hồ sơ vẫn được đặt trên UBND Thành phố 4 tháng nay.

Tôi cho rằng các cán bộ đang thụ lý chậm chạp một việc đáng ra nếu tích cực làm thì  tổng thời gian chỉ mất 3-6 tháng là tối đa.

Với một dự án, tối thiểu DN phải bỏ ra 200 tỷ để mua đất, số tiền đó nếu đi vay lãi suất 10%/năm thì sau 1 năm dự án “chết đứng”,  DN đã mất 20 tỷ. Nếu việc ra quyết định được thực hiện nhanh chóng hơn thì DN đỡ được hàng tỷ đồng tiền lãi. Như vậy làm chúng tôi phải trả lãi nhiều hơn, đóng thuế ít đi, hoặc phải tăng giá bán để thu lại từ người dân.

Ông có kiến nghị gì để tạo thuận lợi hơn cho DN trong xin GPXD?

Ông Nguyễn Văn Đực: Trong buổi đối thoại DN với Sở Xây dựng ngày 4/8, tôi có tiếp tục đề nghị một việc mà tôi đã kiến nghị từ rất lâu, đó là khi được duyệt quy hoạch 1/500 các dự án sẽ được phép khởi công.

Tuy nhiên, cao ốc có nhiều yếu tố khác biệt và phức tạp hơn nhà ở riêng lẻ, nên vẫn cần phải đánh giá lại. Tôi đề xuất vẫn nên có GPXD nhưng chia làm hai, GPXD đợt 1 là khi dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500 thì sẽ được phép khởi công làm trước các phần phần móng, tầng hầm, do có những chung cư làm đến 2-3 hầm, thời gian đó có thể là 6 tháng, 9 tháng.

Trong thời gian này, DN sẽ tiếp tục làm thủ tục xin cấp giấy phép đợt 2 với thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, GPXD theo quy định do phần móng không ảnh hưởng đến những thiết kế này, các chỉ số số tầng, chiều cao, số người… đã được thể hiện trong quy hoạch 1/500 từ trước. Còn nếu họ làm móng sai hoặc không phù hợp bên trên thì họ phải chịu trách nhiệm. Làm được điều này thời gian xây dựng công trình sẽ được đẩy nhanh hơn từ 6 tháng đến 1 năm.

Thu Hương (thực hiện)