Bản Để In

‘Thị trường, thị trường và thị trường hơn’

(Chinhphu.vn) – Theo đánh giá sơ bộ của CIEM về kết quả tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2018, có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.

09/06/2018 11:00
TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: PLO

Kết quả này được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo giữa kỳ về cải cách kinh tế Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội chiều 5/9.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Nghị quyết 27 NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Đến nay, có 25,8 % nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả.

Kết quả cơ cấu lại kinh tế nửa đầu giai đoạn 2016-2020 cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực so với trước.

Tuy nhiên, cách thức phân bố nguồn lực vẫn chưa thay đổi. Nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn như sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân… còn chuyển dịch chậm.

Ông Cung cho rằng, trong giai đoạn 2021-2030, phải là vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế số, vừa phải tận dụng cơ hội cách mạng 4.0.

“Chỉ có thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh.

“Đầu tiên phải thúc đẩy cạnh tranh thông qua thực thi Luật Cạnh tranh, nhằm loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh. Nếu không phân bố nguồn lực vẫn là xin cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, sân sau - sân trước. Không có cạnh tranh thì đừng hy vọng có khoa học công nghệ để thay đổi, nâng cao hiệu quả kinh tế” - TS Cung nói.

Một nhóm giải pháp khác được đưa ra là “Nhà nước hãy hỗ trợ người thắng cuộc” bằng cách gỡ bỏ những rào cản, chính sách bất hợp lý; lựa chọn những dự án đầu tư tốt để hỗ trợ họ, đưa các dự án này vào thực hiện càng nhanh càng tốt.

“Phải xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, nên xóa bỏ độc quyền của Tổng Công ty Hàng không, mạnh dạn giao cho các hãng hàng không trong xây dựng cảng hàng không; cho phép, vận động và hỗ trợ hãng hàng không tư nhân xây mới hoặc đầu tư mở rộng sân bay hiện có. Nếu vẫn giữ như hiện nay, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng hàng không vẫn tái diễn” - TS Cung nêu cụ thể.

Đề cập tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sắp đi vào hoạt động, TS Cung nói rằng: “Hãy giao cho Ủy ban những nhiệm vụ đủ cao để chỉ những người tài mới có thể hoàn thành được, chứ không phải giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. Bởi nếu như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ sẽ khó có chất lượng. Thay đổi cách tiếp cận để loại bỏ các loại con ông cháu cha được bổ nhiệm vào doanh nghiệp nhà nước”.

Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, vẫn theo Viện trưởng CIEM, cần phải tăng động lực kinh tế cho Hà Nội và TP.HCM. Bởi Hà Nội, TP.HCM chỉ cần tăng trưởng 1% thì kinh tế cả nước có thể tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện giải pháp hiện có như: Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, xử lý nợ xấu… nhưng phải tăng quy mô, tốc độ và đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời. Phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… trước khi trình Chính phủ.

Luật sư Lê Văn Hà cho biết, hiện, Việt Nam có trên 7.200 thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ tốn kém và có xu hướng tăng. Đặc biệt, lệ phí liên quan đến doanh nghiệp.

Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tốn kém và có xu hướng tăng, đặc biệt lệ phí liên quan đến doanh nghiệp. Hơn nữa, thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài cũng đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, các thủ tục nào không cần thiết có thể áp dụng thu phí dịch vụ.

Đơn cử, lệ phí đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp theo Thông tư 263/2016/BTC-TT tăng trung bình 150-200% các loại lệ phí công bố hợp quy – công bố sự phù hợp đối với thực phẩm công nghiệp, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tăng 3 lần (1,5triệu). Thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về thủ tục công bố hợp quy, hợp chuẩn theo điều 45, 48 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định doanh nghiệp phải đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền nhưng các thủ tục này vẫn quy định theo hướng thẩm định, cấp phép nhiều hơn là đăng ký. Do đó, Luật sư Lê Văn Hà cho rằng, cần bãi bỏ thủ tục xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, chuyển việc kiểm tra thủ tục kinh doanh sang hậu kiểm, xã hội hoá thủ tục đăng ký hợp quy, hợp chuẩn. 

Thu Hà