Bản Để In

Thu hồi sao không bồi thường?

(Chinhphu.vn) - Nhà nước giao đất cho dân, đến khi thu hồi thì phải đền bù. Nhà nước giao rừng cho dân, thu hồi thì phải bồi thường. Nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản cho dân, khi thu hồi cũng phải đền bù.

08/07/2017 04:37
Ảnh minh họa

Vậy nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nguồn nước cho dân, đến khi yêu cầu người dân giảm lưu lượng hoặc dừng khai thác mà chẳng cần bồi thường hay đền bù gì cả.

Đó là nội dung của Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT. Gần đây, Bộ này ra dự thảo sửa đổi quy định trên, những cũng chỉ bổ sung việc phải báo trước cho người dân 90 ngày, chứ cũng không yêu cầu bồi thường.

Cho dù tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước nhưng một khi Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp và người dân thì không thể tự nhiên mà lấy lại được.

Quyền khai thác tài nguyên đã cấp cho dân là quyền tài sản của dân. Nhà nước muốn lấy tài sản của dân thì phải trưng mua, trưng dụng, phải có lý do rõ ràng và phải bồi thường thỏa đáng. Hiến pháp minh định như vậy.

Trường hợp người dân sử dụng tài nguyên mà vi phạm pháp luật thì Bộ có thể thu hồi không bồi thường. Nhưng nếu việc thu hồi là vì lý do lợi ích công cộng (quốc phòng, an ninh, phát triển…) thì đền bù là việc bắt buộc phải đặt ra.

Dù mức đền bù có thể còn có tranh cãi, nhưng không thể bị bỏ qua.

Hãy thử tưởng tượng bạn xây một nhà máy chế biến thực phẩm, bạn xin cấp phép khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất. Một ngày đẹp trời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nói với bạn rằng bạn phải dừng khai thác nước.

Số tiền bạn phải trả để được khai thác nguồn nước đó không lớn, nhưng nếu không có nước, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa cả nhà máy, và bạn không được bồi thường.

Quyền tài sản luôn có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng như vậy, ai dám kinh doanh?

Khi soạn Luật Tài nguyên nước, ngoài thuế tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất đặt ra khoản thu được gọi là tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Một hoạt động khai thác phải chịu hai khoản thuế phí chồng chéo.

Đại diện Cục Tài nguyên nước có giải thích, tiền cấp quyền là khoản tiền Nhà nước thu để bảo hộ cho quyền khai thác nước của doanh nghiệp và người dân.

Vậy mà, dù doanh nghiệp và người dân đã phải đóng tiền để Nhà nước "bảo hộ quyền khai thác" nhưng quyền đó lại có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào.

Luật không cấm, Bộ cấm

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI vừa có công văn trả lời đề nghị góp ý của Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất.

Công văn do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI, ký, góp ý rằng một số điều trong Dự thảo khá mâu thuẫn, không rõ ràng, vượt luật, và thậm chí ngay trong một điều luật thì hai quy định 1 và 2 cũng thiếu thống nhất.

“Tài nguyên nước là một dạng tài sản. Việc Nhà nước cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu các khoản tài chính tức là đã trao quyền tài sản cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, việc yêu cầu giảm, dừng khai thác nước đã không bảo đảm quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp”, công văn viết.

VCCI đề nghị bãi bỏ Điều 14.2 trong Dự thảo này vì “đang có dấu hiệu vượt luật"

“Điều 14 của Dự thảo quy định về vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất áp dụng cho cả mục đích cấp nước sinh hoạt và mục đích khác. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước 2012 chỉ quy định về vùng bảo hộ vệ sinh đối với khu vực lấy nước sinh hoạt”, theo ông Tuấn.

Một quy định khác không có trong luật nhưng Dự thảo mới lại đưa vào để cấm.

Cụ thể là Điều 32.1 của Luật Tài nguyên nước 2012 chỉ cấm hành vi "xả nước thải, đưa chất thải" vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Vậy nhưng, Điều 14 của Dự thảo lại cấm thêm cả những hành vi như "bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi thải, kho, bãi chứa hóa chất và các nguồn ô nhiễm ác", "cấm tất cả các hoạt động phát sinh ra nguồn gây ô nhiễm", "các hoạt động phá hủy lớp phủ bảo vệ tầng chứa nước".

 Ngoài ra, Điều 14.3 còn yêu cầu chủ công trình phải có văn bản thỏa thuận với chủ sử dụng đất trong vùng bảo hộ vệ sinh trước khi thi công công trình.

“Quy định này đã đặt ra một nghĩa vụ tiền kiểm và vượt quá Luật Tài nguyên nước, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ”, công văn viết.

Nguyễn Minh Đức - VCCI
Theo Tuổi Trẻ