Bản Để In

Thủ tướng: “Cơ hội TPP không tự chuyển thành GDP”

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng cơ hội thuận lợi từ TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tự nó không chuyển thành GDP, thành sức mạnh kinh tế, mà đòi hỏi nỗ lực quyết liệt của chúng ta.

02/29/2016 04:51
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 2/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những mặt thuận lợi rất cơ bản của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Đó là tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn kế hoạch đề ra và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, theo báo cáo của Bộ KHĐT.

TPP và niềm tin của nhà đầu tư

Trong 2 tháng đầu năm 2016, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tiếp tục tăng cao, ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt tổng vốn FDI đăng ký ước đạt trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 22,5%).

“Vốn FDI đăng ký và thực hiện trong hai tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ cho thấy môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào nước ta”, Bộ KHĐT nhận định.

Tình hình phát triển doanh nghiệp cũng củng cố cho nhận định trên. Trong 2 tháng đầu năm, có gần 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 113 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng nhẹ về số doanh nghiệp nhưng tăng mạnh về số vốn đăng ký, tăng hơn 45%. Có 7.416 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 69,5%.

Phát biểu kết luận phiên họp, một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là yêu cầu hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức, thậm chí có thể biến thách thức thành cơ hội.

“Phải nhắc lại rằng cơ hội thuận lợi từ TPP không tự nó chuyển thành sức mạnh kinh tế, thành GDP, mà cần sự nỗ lực quyết liệt của chúng ta”, Thủ tướng phát biểu.

Trước đó, trong bài viết mới đây về TPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế. Và những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh chưa như mong muốn

Bên cạnh những mặt thuận lợi rất cơ bản, Thủ tướng lưu ý phải theo dõi sát những vấn đề khó khăn đang nổi lên. Đó là sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực, nhiều định chế tài chính thế giới đều dự báo kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm tốc độ tăng trưởng. Giá dầu vẫn ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục...

“Chúng ta đã hội nhập sâu, nên mỗi biến động tích cực hay tiêu cực của tình hình thế giới đều tác động tới tình hình nước ta. Phải theo dõi thật sát sao, phản ứng chính sách kịp thời, mau lẹ. Như vừa qua đồng nhân dân tệ giảm giá, Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chuyển đổi cách điều hành tỷ giá, chuyển rất căn bản nhưng êm thấm, được xã hội thừa nhận. Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không thể tách mình ra khỏi bối cảnh thế giới”, Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, như yêu cầu.

Hướng về phía Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thủ tướng đánh giá những nỗ lực cải cách vừa qua của ngành Hải quan là rất đáng mừng, được doanh nghiệp và các đối tác quốc tế ghi nhận. “Nhưng theo yêu cầu trong TPP thì thời gian thông quan với hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ là 48 giờ, chúng ta không thể mất tới 12-14 ngày. Đồng chí Tổng cục trưởng cũng khẳng định với tôi là có thể làm tốt hơn”, Thủ tướng đưa ra ví dụ về yêu cầu tiếp tục nỗ lực cải cách.

Khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn, Thủ tướng cho biết ông đã đọc báo cáo ngày 23/2 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản – JETRO liên quan đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, đã chỉ ra rất nhiều vướng mắc cụ thể, thủ tục nào hết bao nhiêu giờ, cho thấy hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, thủ tục còn rườm rà, việc thực thi nhiều nơi còn tùy tiện... “Cần căn cứ vào đó mà triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong sửa đổi chính sách”, Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đất đai, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư... bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 19/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu bằng ASEAN-4 vào cuối năm nay.

Hà Chính