chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Theo Cục Hàng không, Công ty Globaltrans Air là công ty cổ phần được thành lập vào tháng 7/2014 với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh TP Hồ Chí Minh cấp, các cổ đông sáng lập là những nhà đầu tư Việt Nam, vốn điều lệ 100 tỉ đồng, đáp ứng quy định về vốn tối thiểu của hãng hàng không.
Globaltrans Air cũng đã có bộ máy tổ chức khai thác tàu bay, bảo dưỡng với các chức năng, các vị trí phụ trách khai thác, huấn huyện, an toàn – an ninh.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH), Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) và Công ty Hải Âu.
Theo Điều 198, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hoạt động hàng không chung là hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hoá, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư.
Theo Nghị định số 30/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ, hoạt động hàng không chung bao gồm các loại hình sau đây: a) Kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là hoạt động quảng cáo, tiếp thị, bán, thực hiện dịch vụ hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi; b) Hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại là hoạt động hàng không chung phục vụ cho hoạt động của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích sinh lợi.
Trong một diễn biến khác liên quan đến ngành Hàng không, chủ trương nhượng quyền khai thác các sân bay của Bộ GTVT đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Sau Tập đoàn T&T thì mới đây Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã gửi văn bản lên Bộ GTVT bày tỏ mong muốn được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc.
Theo Bộ GTVT, ngoài một số công ty trong nước, còn có một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc. Tuy nhiên, ở giai đoạn thí điểm Bộ GTVT chỉ nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư trong nước nên các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ hội.
Còn với Nhà ga T1 Nội Bài, hiện cả Vietjet Air và Vietnam Airlines đều đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bán lại quyền khai thác.
Trong khi đó, sân bay Đà Nẵng cũng rơi vào tầm ngắm của Jetstar Pacific và liên danh 3 nhà đầu tư trong nước là CTCP dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco), CTCP đầu tư AOV và TCT Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).
Thanh Hằng