Bản Để In

Thủ tướng: Thoái hết vốn nhà nước tại Vinamilk, FPT

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp.

10/14/2015 03:47

Đây là ý kiến của Thủ tướng tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu SCIC. Quyết định được đưa ra sau khi SCIC đã liên tiếp trình Chính phủ 3 công văn kiến nghị trong các tháng 7, 8 và 9 về nắm giữ, đầu tư dài hạn cổ phần đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của SCIC.

Dưới đây là danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước (có tỷ lệ nắm giữ cụ thể của Nhà nước cho đến thời điểm hiện tại).


Thủ tướng cũng yêu cầu việc thoái vốn phải đảm bảo "đạt được lợi ích cao nhất”.

Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến của Thủ tướng, SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang; Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC; Tập đoàn Bảo Việt; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Công ty cổ phần TRAPHACO; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO.

Theo các chuyên gia, hầu hết các công ty mà SCIC phải thoái vốn đều đã niêm yết và với thị giá hiện tại, Nhà nước có thể thu về ít nhất 4 tỷ USD. Riêng phần vốn của Nhà nước ở Vinamilk - doanh nghiệp đang hoạt động rất có hiệu quả - hiện có giá thị trường khoảng 55.000 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, Vinamilk đang xếp đầu bảng về cơ cấu tài sản, nguồn thu cổ tức của SCIC. Vinamilk cũng là doanh nghiệp hàng đầu tạo ra lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi hơn 7.600 tỷ đồng năm 2014 và 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2015. Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố ngày 14/10, Vinamilk cũng xếp thứ 7.

Sau thông tin thoái vốn nói trên, các cổ phiếu thuộc diện thoái vốn nằm trong đề án tái cơ cấu của SCIC đã đồng loạt tăng mạnh khi mở cửa phiên giao dịch sáng 14/10. Sau một tiếng giao dịch đầu giờ, VNM tăng 5.000 đồng lên 107.000 đồng, FPT tăng hơn 2.000 đồng lên 47.500 đồng, BMI tăng trần lên 22.700 đồng, BMP tăng 7.000 đồng lên 122.000 đồng, NTP tăng 4.400 đồng lên 54.000 đồng.

Nhận định về thông tin từ SCIC, các công ty chứng khoán cho rằng, đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những bluechips lớn như VNM và FPT. Động thái của Nhà nước có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty này. Thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực, tuy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Việc thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước lớn, đang làm ăn hiệu quả như Vinamilk sẽ gửi đi thông điệp nhất quán và quyết liệt của Chính phủ trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Hiện Bộ KHĐT đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, theo hướng tiếp tục giảm các lĩnh vực mà nhà nước tham gia nắm giữ vốn.

Hà Chính