Bản Để In

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP: Lợi ích không chỉ là hàng tỷ USD…

(Chinhphu.vn) – Hàng tỷ USD, hàng nghìn tỷ đồng là những lợi ích kinh tế cụ thể mà Việt Nam sẽ có được nếu làm được như Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra. Nhưng không chỉ có vậy, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bước tiến ngoạn mục.

08/01/2014 11:34

 

Môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện mạnh mẽ nếu Nghị quyết số 19 được triển khai hiệu quả

Triển vọng này đều được các chuyên gia trong và ngoài nước thừa nhận khi tham dự hội thảo ngày 31/7 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức về triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việt Nam có thể đứng 40 thế giới

TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, đo lường được và khả thi, minh bạch và có khác biệt về cách tiếp cận so với nhiều chính sách trước đây. Trước hết, được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn doanh nghiệp và thông lệ quốc tế. Thứ hai, khi xây dựng và triển khai được sự chỉ đạo hết sức mạnh mẽ, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng rất sẵn sàng triển khai các giải pháp của Nghị quyết.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thay vì tác động vào tổng cầu, Nghị quyết 19 lựa chọn cách tác động tích cực đến thúc đẩy tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tăng độ an toàn và minh bạch với hoạt động kinh doanh. Chính phủ đã nhấn rất mạnh đến yêu cầu này trong Nghị quyết.

Nghị quyết đã đặt mục tiêu cụ thể về những chỉ số tác động cực kỳ mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh, đó là nộp thuế, tiếp cận điện năng và giao dịch qua biên giới (xuất nhập khẩu).

Như chuyên gia Olin McGill cho biết, nếu Việt Nam giảm được 1 ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì sẽ giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1 năm. Hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gần 300 tỷ USD mỗi năm, như vậy 782 giờ giảm 1 ngày thủ tục sẽ giúp chúng ta tiết kiệm khoảng 2,7 tỷ USD, một khoản rất lớn.

Về nộp thuế, nếu số giờ nộp thuế sẽ giảm từ 872 giờ hiện nay xuống chỉ còn 171 giờ như mục tiêu của Nghị quyết 19, chi phí tiết kiệm đuược sẽ lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng.

Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 99 trong 189 quốc gia và nền kinh tế. Do vậy, ông Nguyễn Đình Cung tin tưởng, làm được theo Nghị quyết 19, có thể năng lực cạnh trạnh của chúng ta sẽ đứng thứ 40. Đây là một cải thiện hết sức đáng kể. Như vậy, nếu cải cách được, chúng ta có thể đứng thứ 3 trong ASEAN, chỉ thua kém Singapore, Malaysia, ngang hoặc hơn Thái Lan.

Không thể không đi đến cùng

Tại hội thảo, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tập đoàn Điện lực đã nêu kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 19 và nhận định các mục tiêu của Nghị quyết là khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức rất lớn để “đi đến cùng”, thực hiện cho được.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thách thức trước hết là việc duy trì được đà của những cải cách. Trong lĩnh vực thuế, việc giảm 354 giờ nộp thuế từ nay đến cuối năm là trong tầm tay, có thể làm được ngay với các giải pháp về giảm tần suất khai nộp thuế, sửa đổi biểu mẫu tờ khai… Tuy nhiên, việc tiếp tục cắt giảm về mức 171 giờ trong năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ là “thách thức rất lớn”.

Hiện nay có 3 thách thức chính để giảm hơn nữa thời gian nộp thuế, đó là thời gian thanh tra, kiểm tra, thời gian giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp và thời gian hoàn thuế.

Và ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu thì sau năm 2015, thế giới sẽ áp dụng các tiêu chí mới để đánh giá và nếu như không có giải pháp, Việt Nam có thể sẽ lại rơi vào tụt hậu. Do đó, mới đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đã thống nhất triển khai một dự án để tiếp tục cải cách ngành Thuế theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Trong lĩnh vực hải quan, có thể thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014 là giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay. Tuy nhiên, trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28% còn lại là qua nhiều khâu như cảng vụ, cơ quan biên phòng, lưu thông đường bộ từ cảng về nhà máy, năng lực bốc xếp, điều tàu…

Cùng với đó, có tới 34% lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự quản lý về giấy phép, về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch trong khi đó thế giới chỉ có 10-18%. Các loại giấy phép này liên quan đến 8 bộ và 11 luật.

Một đại diện doanh nghiệp cho biết thời gian thông quan chỉ 5 phút một tờ khai nhưng các giấy tờ đi kèm để được thông quan là cả một vấn đề. Vì tờ khai chỉ có một nhưng kèm theo tờ khai là khoảng 500 tờ giấy đi kèm để đi đường còn xuất trình cho các cơ quan như quản lý thị trường.

Cùng quan điểm này, chuyên gia Olin McGill tại buổi hội thảo phân tích về chỉ số thương mại qua biên giới đã chỉ rõ “nút thắt cổ chai” về phối hợp liên ngành đang gây khó cho hải quan.

Trước những vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng những thách thức, khó khăn là không tránh khỏi, vì mục tiêu của Nghị quyết 19 là rất lớn. Song không phải không có cơ sở thực hiện mà xuất phát từ sự thúc ép cả bên trong và bên ngoài, từ nhu cầu của doanh nghiệp, trên cơ sở chúng ta đã bàn luận kỹ lưỡng, và “không tham vọng không thể cải cách được”.  Ông Nguyễn Đình Cung khẳng định, thực hiện cải cách là một thách thức, buộc phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và qua quá trình thực hiện Nghị quyết 19, chắc chắn các cơ quan phải phối hợp thực hiện.

“Bộ Tài chính có thực sự làm được như thế không, sau đó các bộ khác có làm không cũng là vấn đề thách thức trước mắt. Nhưng không cải cách thì chúng ta còn tụt hậu xa với các nước trong khu vực”, ông Cung nói.

Thành Đạt