chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
Với việc cung cấp DVCTT thì người dân, DN sẽ không phải tốn thời gian, chi phí đi lại như trước đây. Ảnh: Phương Dy |
“Tiếp dân” bằng dịch vụ trực tuyến
Hiện nay, DVCTT mức độ 4 là cấp độ cao nhất được Chính phủ quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP. Dịch vụ cho phép người dân và DN có thể sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) hoàn toàn thông qua mạng trực tuyến. Kể cả việc trả kết quả và hồ sơ hành chính cho người dân và DN cũng sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, hoặc gửi trực tiếp qua đường bưu điện.
Cho đến nay, hầu hết các địa phương mới thực hiện mới triển khai đến DVCTT cấp độ 3, tức cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, người dân và DN vẫn phải thực hiện thanh toán lệ phí, cũng như nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan, tổ chức hành chính cung cấp dịch vụ.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở TTTT TPHCM - Võ Thị Trung Trinh cho biết, do xác định ngay từ đầu việc cung cấp các DVCTT cho người dân và doanh nghiệp (DN) là nội dung quan trọng trong tiến trình triển khai CPĐT nên Sở TTTT TP đã tham mưu cho UBND TP sớm quan tâm đến công tác cải cách này.
Đáng chú ý, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 thì TPHCM đã chủ động nâng cấp hệ thống hành chính, trong đó có việc gia tăng số lượng DVCTT cho người dân và DN.
Đến nay TP đã triển khai được 46 DVCTT ở mức độ 4, trong khi đã có đến 426 DVCTT mức độ 3 và 1.700 DVCTT ở cấp độ 2. Hiện không còn hệ thống xử lý DVCTT cấp độ 1.
Việc bước đầu triển khai được 46 DVCTT ở mức độ 4 được kỳ vọng sẽ giảm tải được tình trạng trễ hẹn hồ sơ hành chính cho người dân và DN trong nhiều lĩnh vực bức xúc trước đây, như: Đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép đầu tư, cấp/đổi giấy phép lái xe, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho công dân,...
Chẳng hạn trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết được trực tuyến được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt rất nhiều tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp. Tuy nhiên, cho đến nay chuyển biến trong lĩnh vực này vẫn rất chậm và tình hình nhiều người khiếu nại cùng một nội dung liên quan đến các dự án trên địa bàn vẫn có chiều hướng gia tăng.
Bà Võ Thị Trung Trinh cũng thừa nhận, vấn đề nộp phí/lệ phí trực tuyến hiện nay cũng đang là vấn đề gặp phải trở ngại trong quá trình thực hiện do chưa có quy chế, quy trình để các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công nộp phí, lệ phí bằng thẻ thanh toán.
Để khắc phục một số tồn tại thì hiện nay Sở TTTT TP đã nâng cấp Hệ thống dịch vụ công của TP trên nền tảng công nghệ nguồn mở tại địa chỉ: http://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn.
Tất cả dữ liệu hồ sơ sẽ về một cửa
Ngoài DVCTT, bà Võ Thị Trung Trinh cũng cho hay, TP đã xây dựng được một Trung tâm Dữ liệu mà trung tâm này sẽ có chức năng tích hợp hệ thống thông tin, dữ liệu trên nhiều lĩnh vực khác.
Điển hình như từ năm 2012 thì TPHCM đã triển khai được cơ sở dữ liệu dân cư cho Công an TP và một số quận, như Q.Bình Thạnh, Q.3, Q.5 và Q.Phú Nhuận. Đối với lĩnh vực kinh tế thì cũng đã triển khai được Hệ thống thông tin quản lý đầu tư nước ngoài, xây dựng môi trường trao đổi thông tin quá trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư qua mạng; Phần mềm quản lý cấp phép đầu tư nước ngoài; Hệ thống thông tin lao động nước ngoài; xây dựng CSDL người nộp thuế và tích hợp với CSDL DN của Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM.
Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, hiện nay Sở cũng đã thống nhất giải pháp niêm yết công khai, minh bạch TTHC trên cổng thông tin điện tử và đồng thời niêm yết tại trụ sở của từng cơ quan, đơn vị, cũng như nơi trực tiếp giải quyết TTHC. Hiện Sở KH-ĐT TP cũng thực hiện cung cấp DVCTT đối với một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, DN, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư,…
Đối với hệ thống thông tin Hộ tịch, dù phần mềm hộ tịch được triển khai từ năm 2006 đến nay nhưng đã không còn phù hợp. Ông Hồng Văn Hải, Trưởng Phòng Lý lịch Tư pháp thuộc Sở Tư pháp TP cho biết, hiện Sở Tư pháp và Sở TTTT TP đang phối hợp triển khai thí điểm phần mềm Hộ tịch theo mô hình tập trung, liên thông 3 cấp (Sở Tư pháp TP - Quận - Phường) để đáp ứng các yêu cầu về trình tự, thủ tục và biểu mẫu của Luật Hộ tịch mới, chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Trong hệ thống thông tin quản lý đô thị, hiện nay TPHCM cũng đã hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống đất đai xây dựng cho toàn TP. Trong đó, đã xây dựng được kế hoạch và lộ trình thực hiện hệ thống thông tin đất đai xây dựng kết nối từ Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND cấp quận/huyện. Ngoài ra, hệ thống cũng tích hợp và cung cấp DVCTT lên Cổng thông tin của TP.
Ngoài các lĩnh vực trên, nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, giảm ùn tắc giao thông, hệ thống quản lý cán bộ công chức,… cũng đã được ứng dụng CNTT rộng rãi và hướng đến sự liên kết thống nhất qua một cửa điện tử. Tuy nhiên, đây cũng chính là một khâu dự báo nhiều khó khăn đối với TPHCM. Chính vì vậy, trong khiến nghị về xây dựng Chính phủ điện tử, Giám đốc Sở TTTT TP đã kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để thống nhất cơ chế, trình tự, kế hoạch ứng dụng CNTT giữa Bộ ngành và các Sở ngành, quận/huyện của TP, nhất là việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nhằm kết nói số liệu thông suốt trong quá trình tạo lập, khai thác, bảo vệ và lưu trữ hồ sơ của người dân, DN.
Phương Dy