chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), trong năm 2022, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới và điều kiện thời tiết, dịch bệnh.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Về lĩnh vực trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, thu nhập cao hơn. Tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái, kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Cùng với đó, ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi. Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hướng hữu cơ và chuyên môn hóa.
Định hướng Bộ NN&PTNT đưa ra là sẽ tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi. Phát triển giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái, ưu tiên nhập khẩu giống tốt. Phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Về lĩnh vực thuỷ sản, ngành thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm; Đề án sản phẩm quốc gia tôm nước lợ và cá da trơn; Đề án giống cá tra 3 cấp; Đề án phát triển nuôi biển, gắn với phát triển mạnh kinh tế biển, bảo đảm cuộc sống người dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng thủy sản với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh nuôi biển. Kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro.
Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống dịch vụ hậu cần thủy sản. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị EC đưa ra để gỡ “thẻ vàng” của EC và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả; hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
Bộ NN&PTNT cũng đang tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện tốt bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, duy trì độ che phủ rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái rừng.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân làm muối. Nhân rộng các mô hình sản xuất nâng cao năng suất và giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường.
Đặc biệt sẽ phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến sâu các mặt hàng có giá trị kinh tế cao; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh; nhân rộng mô hình cơ giới hóa đồng bộ. Phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đỗ Hương