Bản Để In

Tư vấn bảo hiểm sẽ phải có văn bằng, chứng chỉ?

(Chinhphu.vn) – Đây là quy định trong Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được trình Quốc hội. Dự thảo cũng đề xuất Bộ Tài chính quy định về nội dung chương trình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm...

05/21/2019 10:54
Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm sẽ phải có bằng đại học hoặc bằng trên đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm

Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được trình tại Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực mở rộng hơn nữa thị trường bảo hiểm; đồng thời, tăng độ bao phủ của bảo hiểm và tăng tính an toàn, bền vững trong sự phát triển của thị trường.

Được biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm được trình Quốc hội lần này yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có đầy đủ vốn dựa trên tiêu chí so sánh tỷ lệ giữa vốn hiện có so với yêu cầu về vốn tối thiểu phải có tương ứng với tổng thể rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này nhằm đáp ứng cam kết với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính.

Dự thảo sửa đổi Luật cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tính toán mức vốn tối thiểu tương ứng với các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Bởi, việc xác định vốn tối thiểu tương ứng với mỗi loại rủi ro thường được thực hiện bằng công thức chung là số tiền chịu rủi ro nhân hệ số rủi ro. Hoặc, tính toán giá trị tài sản, trách nhiệm bảo hiểm theo cơ sở do cơ quan quản lý quy định để làm căn cứ so sánh với vốn sẵn có.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng quy định về tổ chức bộ máy phù hợp với thực tế, bổ sung và nâng cao quy định về quản trị điều hành và quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng quy định chuẩn hóa phát triển sản phẩm và kênh phân phối (đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, kênh phân phối mới) phù hợp với thực tiễn của thị trường và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội, thị trường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ bên tham gia bảo hiểm và tạo công ăn việc làm.

Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đảm bảo chế tài thực hiện, Điều 3 của dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại Luật này. Trường hợp sau 01 năm không đáp ứng các quy định về điều kiện thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.”

Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đề cập tới điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm là từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có bằng đại học hoặc bằng trên đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp.

Điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự thảo quy định: Là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp; cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng quy định nói trên, đáp ứng tiêu chuẩn về văn bằng hoặc chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp và tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật đề xuất Chính phủ quy định chi tiết điểm này. Bộ Tài chính quy định về nội dung chương trình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm đối với các cơ sở đào tạo trong nước và quy định việc công nhận đối với chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp để thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa X ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2001 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, thể hiện rõ vai trò vị trí trong nền kinh tế - xã hội.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trước khi có Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời chỉ có 15 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng đến năm 2018, thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó, có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 29%/năm giai đoạn 2000-2018, đạt 81.558 tỷ đồng năm 2018. Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 28,5% trong giai đoạn 2000-2018, đạt 394.192 tỷ đồng năm 2018. Trong giai đoạn 2000-2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 246.586 tỷ đồng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết, đến nay, tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường lên tới gần 1.300 sản phẩm.

Thành Đạt