Bản Để In

Uber cần phải đăng kí kinh doanh theo quy định

(Chinhphu.vn) – Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định Uber muốn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

12/03/2014 07:37

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - Ảnh: VGP/Phan Trang

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính pháp lý của dịch vụ Uber tại Việt Nam thời gian qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Trước tiên phải khẳng định là mọi hoạt động GTVT trên lãnh thổ Việt Nam trước tiên phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, những hoạt động này phải bảo vệ được lợi ích cũng như sự an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người sử dụng dịch vụ.  

Sau khi Uber xuất hiện, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ vận tải đang hoạt động tại Việt Nam sau khi đăng kí kinh doanh có thể đăng kí thêm dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu Uber đăng kí kinh doanh với các cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam thì Uber sẽ hoàn toàn đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng các dịch vụ hỗ trợ vận tải trên lãnh thổ Việt Nam.

Chúng ta phải xác định rằng Uber không chịu trách nhiệm về sự an toàn của dịch vụ vận tải mà người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm. Như vậy, những người cung cấp dịch vụ vận tải qua Uber phải là những người kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật. Bởi vì kinh doanh vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện.  

Tuy nhiên, việc chúng ta cung ứng dịch vụ vận tải thông qua một sàn điện tử như Uber hay một số sàn điện tử khác có thể nói là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ vận tải hành khách. Hình thức này cũng đã và đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ của các DN vận tải hành khách với mức chi phí hợp lý hơn, thời gian chờ đợi rút ngắn hơn, thông tin đầy đủ hơn.

Chúng tôi cũng mong muốn mọi tổ chức cá nhân cung ứng dich vụ vận tải qua Uber là những đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh vận tải. Hiện nay, theo Nghị định 86, các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh hoàn toàn có thể cung ứng dịch vụ của mình qua Uber với điều kiện Uber là đăng kí kinh doanh cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam. 

Hiện nay, thông qua dịch vụ Uber còn có hình thức “đi chung xe”. Những người mong muốn kinh doanh thu tiền từ người tham gia giao thông, trước tiên nên đăng ký kinh doanh, có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Những đơn vị vận tải hành khách hiện nay hoàn toàn có thể bán dịch vụ của mình qua Uber. Tất nhiên là đơn vị đó và Uber phải có hợp đồng phù hợp lợi ích hai bên và pháp luật Việt Nam. Những người cung ứng dịch vụ cần đảm bảo các điều kiện quy định cần thiết để đảm bảo ATGT cho lái xe, cũng như đảm bảo an toàn an ninh cho người sử dụng dịch vụ.  

Với những cá nhân muốn cung ứng dịch vụ đi trên xe, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với những Bộ, ngành trình Chính phủ để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để dịch vụ đi chung xe có thể chính thức quy định, cung cấp tại Việt Nam. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện an toàn, thuận lợi nhất để cho loại hình dịch vụ này phát triển thuận lợi.  

PV: Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có nói chúng ta nên hợp thức hóa Uber, vậy ta phải làm thế nào? 

Ông Khuất Việt Hùng: Như tôi đã nói, Uber chỉ cần đăng kí kinh doanh ở Việt Nam. Bởi vì, bất kì đơn vị nào của quốc gia nào kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, có doanh thu phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, thu lợi nhuận từ công dân Việt Nam thì phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.  

Chúng tôi cũng khẳng định rằng những người chủ của Uber rất hiểu biết về pháp luật khi kinh doanh ở các quốc gia khác. Ví dụ như điều kiện thỏa thuận của Uber ở Mỹ là khác, tuy nhiên tại thời điểm hiện nay trên website của Uber phần tiếng Việt vẫn ghi là thực hiện theo pháp luật Hà Lan và sử dụng tòa án Amsterdam để giải quyết tranh chấp giữa Uber với những người mua bán dịch vụ thông qua Uber. Vì vậy, đại diện của Uber cần thực hiện đăng ký kinh doanh để hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam và được các cơ quan pháp luật của Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho chính người kinh doanh và khách hàng của họ.

PV: Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an khẳng định sử dụng Uber là trái Luật Giao thông đường bộ, ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Khuất Việt Hùng: Văn bản của Bộ đưa ra trước đó là căn cứ vào văn bản của Hiệp hội vận tải taxi TP.HCM. Theo đó, Hiệp hội vận tải Taxi TP.HCM cho rằng đây là một dịch vụ vận tải taxi.

Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng đây không phải là dịch vụ kinh doanh vận tải. Đó là lý do vì sao Bộ GTVT có văn bản gửi các Bộ có chức năng giúp việc cho Chính phủ theo quy định để có nghiên cứu, đánh giá tính hợp pháp, hợp lệ của Uber.

Ví dụ như tôi vừa đặt vấn đề nếu Uber có đăng ký kinh doanh hợp pháp sẽ liên quan đến dịch vụ thương mại điện tử thì các cơ quan dịch vụ về thương mại điện tử sẽ trả lời. Trước tiên là trả lời theo văn bản của Bộ GTVT. Đồng thời, cơ quan quản lý về thương mại điện tử sẽ phải có thông tin đến những đơn vị kinh doanh vận tải, các hiệp hội nghề nghiệp, với người dân.

PV: Theo các quy định hiện nay, các DN taxi có thể chuyển sang sử dụng Uber được không? Còn các DN, cá nhân chưa đăng ký hoạt động vận tải hành khách sử dụng Uber có bị xử lý?

Ông Khuất Việt Hùng: Tôi khẳng định các đơn vị kinh doanh vận tải đều có quyền bán dịch vụ vận tải của mình thông qua dịch vụ hỗ trợ vận tải qua Uber. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh vận tải hành khách ở Việt Nam đều phải thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam qua Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ. Chúng tôi khuyến khích tổ chức, cá nhân có phương tiện kinh doanh vận tải đăng ký kinh doanh để có thể họ bán dịch vụ vận tải qua Uber hoặc bất kỳ sàn giao dịch điện tử hỗ trợ vận tải nào đăng ký hợp pháp tại Việt Nam.

Phan Trang (thực hiện)