Bản Để In

Văn bản cấm kinh doanh phải nhiều cả mét khối

Tư duy “không quản được thì cấm” đã quay trở lại ở nhiều cơ quan hoạch định chính sách, gây cản trở cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.

07/25/2014 07:32

 

Ông Nguyễn Đình Cung: "Các nút thắt thể chế cần phải được tháo gỡ". Ảnh TH

Tại Hội thảo giới thiệu về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sáng 23/7, ông Cung cho rằng “ngành nghề kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang chằng chịt như mạng nhện”.

Cầm một túi to đựng các văn bản giấy tờ quy định về ngành nghề kinh doanh và kinh doanh có điều kiện cho các đại biểu nhìn, ông nói: “Chúng tôi ước tính số văn bản pháp luật về điều này phải cả mét khối”, ông  nói.

Lấy ví dụ một số danh mục cấm đầu tư, kinh doanh như “cấm kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan, hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách”, hay “cấm kinh doanh các loại trò chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em, hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”, ông Cung cho rằng đây là các quy định rất không rõ ràng”.

“Thế nào là các văn hóa phẩm phản động, thế nào là trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách trẻ em? Đâu là tiêu chí, cơ quan nào thẩm định?”, ông đặt câu hỏi.

Những quy định mù mờ đó, ông giải thích, có thể được các nhân viên quản lý thị trường giải thích khác nhau tùy theo cảm tính, chủ quan của họ. Kết quả là các nhà sản xuất, kinh doanh liên quan phải đối mặt với nhiều rủi ro.

“Đó là chưa nói các cá nhân từ các cơ quan quản lý nhà nước tận dụng điều này để tư lợi,” ông cảnh báo.

Một quy định khác “cấm doanh nghiệp kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường, các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam”, theo ông Cung, cũng không chính xác, bất hợp lý.

Ông đặt câu hỏi: “Như vậy, doanh nghiệp liệu có được phép kinh doanh sản phẩm hay phế liệu trong nước (không phải nhập khẩu) gây ô nhiễm môi trường hay không?”.

Chuyên gia chính của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho rằng, không thể tiếp tục để Luật Doanh nghiệp bị “gặm nhấm” bởi 20 luật chuyên ngành, bởi các luật chuyên ngành thực chất là công cụ bảo vệ lợi ích của các bộ ngành.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam không đồng tình với quan điểm của ông Cung.

Ông Tài cho rằng, người làm bánh, bún phở phải tuân theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế chứ không đơn thuần là Luật Doanh nghiệp.

Một ví dụ khác, ông Tài nói, một người có lô đất lớn trong nội thành Hà Nội, mà họ nuôi lợn thì không thể được. Trường hợp này phải theo quy định của Luật Đất đai.

Song, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn lại chia sẻ với ông Cung khi cho rằng, nếu các luật chuyên ngành nào cũng đưa ra điều kiện kinh doanh thì vô hiệu hóa Luật Doanh nghiệp.

Ông Tuấn gợi ý rằng, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc kỹ, xem đặt trong Luật Doanh nghiệp, hay ban hành trong Nghị định. Lý do là nếu ban hành trong Luật – ít nhất cũng kéo dài 5 đến 10 năm - thì danh  mục này không cập nhật được diễn biến thực tế.

Tại hội thảo sáng nay, ông Cung kể lại câu chuyện Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp nguyên Thủ tướng Anh Tony Blairs đang ở thăm Việt Nam tối qua.

Ông Vinh đặt câu hỏi, tại sao nhóm của ông Tony Blairs lại chọn Việt Nam để làm tư vấn chính sách, chứ không phải nước khác.

Ông Blairs đáp, Việt Nam đã đạt đến giới hạn của giai đoạn cải cách ban đầu, và sẽ rất khó vượt qua giai đoạn này. Nhiều quốc gia đã không thể vượt qua ngưỡng này. Ông Blairs nhận thấy, Việt Nam có quyết tâm chính trị mạnh mẽ vượt lên, nên muốn giúp Việt Nam.

Ông Cung nói: “Người nước ngoài cũng nhìn là chúng ta đang có những nút thắt thể chế. Vì thế, chúng ta phải tháo được những nút thắt thể chế, nếu muốn tiếp tục phát triển”.

Theo Tư Hoàng-Thời báo Kinh tế Sài Gòn