Bản Để In

‘Vẫn có Bộ tiếp tục ban hành giấy phép con’

(Chinhphu.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý về việc 28 địa phương chưa có kế hoạch triển khai Nghị quyết 19, trong khi vẫn có Bộ tiếp tục ban hành điều kiện kinh doanh.

04/04/2017 09:43
Theo Luật Đầu tư, các bộ, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh. - Ảnh minh họa

Trong báo cáo mới đây về tình hình triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng và kỳ vọng nhiều vào nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực này.

Cho tới nay, nhìn chung đa số các Bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017. Tính đến ngày 27/3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được kế hoạch hành động của 19 Bộ, cơ quan và 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Bộ, cơ quan này gồm: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các địa phương đã có kế hoạch hành động gồm: Vĩnh Long, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hà Giang, Thái Nguyên, Hậu Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Đắc Lắk, Đồng Tháp, Phú Thọ, Hà Nam, An Giang, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Lạng Sơn, Đắk Nông, Lai Châu, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Ninh Thuận, Hưng Yên, Bến Tre, Lào Cai.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn Bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động vào cuộc, chưa coi trọng việc thực hiện Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới ví dụ là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được chương trình, kế hoạch hành động của 28 địa phương.

Cơ chế hiệu quả của Văn phòng Chính phủ

Trong hơn 1 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017, một số Bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng… và Văn phòng Chính phủ, các địa phương gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa... đã tích cực triển khai ngay các nhiệm vụ được giao và đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực.

Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017 vào ngày 10/3/2017. Trên cơ sở những phản ánh của doanh nghiệp tại Hội nghị, một số Bộ, ngành (như Bộ Y tế) đã kịp thời xử lý những lo ngại và vướng mắc của doanh nghiệp thông qua hình thức đối thoại với doanh nghiệp.

Như liên quan tới lo ngại, vướng mắc của doanh nghiệp về yêu cầu “muối chế biến thực phẩm phải được bổ sung i-ốt” quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, hai ngày sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức đối thoại giữa Bộ Y tế với các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan. Kết quả, ngày 14/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này, phần nào giải tỏa những lo ngại của doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, đây là một cơ chế hiệu quả để các bên liên quan trao đổi, thảo luận, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để họ có cơ hội đóng góp các ý kiến phản biện chính sách cũng như phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn.

Đặc biệt, tiếp theo Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã vận hành từ cuối năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân và chính thức vận hành từ tháng 4/2017. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là cơ chế được kỳ vọng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp được chia sẻ, phản ánh các vấn đề và kiến nghị các giải pháp liên quan.

Những động thái tích cực

Một số Bộ có động thái tích cực triển khai ngay các nhiệm vụ về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Bộ Quốc phòng đã báo cáo ngay nội dung liên quan tới quy định bộ đội biên phòng kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền tại Thông tư 09/2016/TT-BQP. Theo đó, Bộ Quốc phòng đang tích cực phối hợp với các Bộ liên quan hoàn chỉnh dự thảo Thông tư sửa đổi để đảm bảo phù hợp với Luật Hải quan; đồng thời đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Bộ đội biên phòng.

Bộ Tài chính vẫn là một trong những Bộ tiên phong, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 19. Trong tháng 3/2017, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 và công bố kết quả về đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2016. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khẩn trương xây dựng và tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tiếp cận theo thông lệ quốc tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã khẩn trương rà soát các quy trình, thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng. Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết về giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, trong tháng 2/2017, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này.

Ngay trong đầu tháng 3/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo tài liệu và hướng dẫn cho các Bộ, ngành về các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Cũng trong tháng 3/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã mời chuyên gia của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới sang hướng dẫn cho các Bộ, ngành, địa phương về chỉ số Năng lực đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông - được giao làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử - chưa có các hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết gần đây vẫn có Bộ ban hành điều kiện kinh doanh như Thông tư số 292/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/11/2016 quy định điều kiện đối với tổ chức cập nhật kiến thức hàng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Điều này là trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư 2014, theo đó các Bộ, ngành, địa phương không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, đã có một vài chuyển biến nhỏ trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng những thay đổi trên còn quá ít so với gánh nặng về yêu cầu quản lý, kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp phải thực hiện.

Thanh Hằng