chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Theo tính toán của các chuyên gia, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay Sabeco có thể giúp ngân sách thu được hàng chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng theo như thông tin được Người phát ngôn Chính phủ cung cấp, có thể thấy đó không phải là lý do căn bản để Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt thúc đẩy quá trình bán vốn.
Trên thực tế, cũng có những ý kiến đặt vấn đề, những doanh nghiệp như Sabeco hay Vinamilk đang làm ăn rất có lãi, liệu có tốt hơn nếu Nhà nước tiếp tục giữ những “con gà đẻ trứng vàng” này? Đúng là nhà nước có thể tiếp tục giữ được nguồn thu rất lớn, thế nhưng, việc nhà nước tiếp tục nắm giữ những ngành như bia, sữa… sẽ đi ngược với một chủ trương khác vô cùng quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng xác định.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên trì, quyết liệt thúc đẩy triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, với tinh thần là những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Chỉ khi bán vốn nhà nước, giảm được vai trò nhà đầu tư, nhà kinh doanh, Nhà nước mới có thể tập trung các nguồn lực cho chức năng kiến tạo sự phát triển của mình.
Mặt khác, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những thành tựu lớn đã đạt được, bản thân khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, mà nổi lên là là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Hơn thế nữa, những “lùm xùm” gần đây liên quan đến nhân sự lãnh đạo một số doanh nghiệp nhà nước cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp này chưa hoàn toàn minh bạch, tạo cơ hội cho không ít người mưu cầu lợi ích riêng.
Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu chống “lợi ích nhóm”, chống tham nhũng, tiêu cực khi bán vốn nhà nước, nhưng cùng với đó, việc dứt khoát thoái vốn nhà nước còn giúp chấm dứt hoàn toàn những mầm mống của những hiện tượng tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước.
“Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy. Việc Chính phủ dứt khoát rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn sẽ gửi đi một thông điệp nhất quán cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ không bán bia, bán sữa, đó là tiền đề không thể thiếu của Chính phủ kiến tạo.
Hà Chính