Bản Để In

'Vị thế Việt Nam sẽ khác nhưng cần phản ứng nhanh'

(Chinhphu.vn) – Ý kiến cho rằng vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch COVID-19 và chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định, nhưng sau dịch, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng để tiếp tục phát triển.

06/01/2020 01:18
Ảnh minh họa

Sáng 1/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế.”

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp.

“Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế  không phải đến lúc có dịch COVID-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ”, bà Hồng Minh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, CIEM, hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới, theo đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhiều lĩnh vực cải cách như phát triển doanh nghiệp, thương mại... Quá trình đó phải tính đến những thay đổi, những ẩn số có thể tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm tới.  

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vì thế chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh của các nước để có những biện pháp chủ động đề phòng dịch.

Về những hệ lụy của dịch COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới; trong đó, có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài.

“Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa - tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch COVID-19”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh. 

Về hiện trạng của Việt Nam do tác động của COVID-19, đại diện CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.

“Bên cạnh đó, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp trong nước, mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với đầu tư nước ngoài (FDI)".

Nói về các yêu cầu phát triển hậu COVID-19, đại diện CIEM nhấn mạnh chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững.

Theo đại diện CIEM, tới đây, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn. 

Đối với vấn đề vai trò của Nhà nước, đại diện CIEM cho rằng, COVID-19 làm thay đổi đáng kể cách người dân nhìn nhận về Chính phủ, theo đó, vai trò của Nhà nước sẽ tăng lên, vấn đề chỉ là mức độ nào. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở chỗ quy mô hỗ trợ lớn hơn, các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và phát triển bao trùm và bền vững càng trở nên nổi bật.

Phản ứng nhanh là quan trọng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho biết, vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch COVID-19. Qua đại dịch này, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định. Thời gian tới, bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng ngày càng gia tăng, trong bối cảnh đó, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng. Doanh nghiệp Việt có sự thích nghi tốt.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, ví dụ như về giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản. Do đó, cải cách này cần mạnh mẽ hơn, bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn.”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, gần đây nổi lên 2 vấn đề về cải cách thể chế của Việt Nam, gồm tốc độ (điều mà Việt Nam được ca ngợi nhiều khi ban hành và triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19) và cơ chế đặc biệt (điều này có thể thấy rõ qua việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI).

Theo chuyên gia này, các xu hướng phát triển trên thế giới trước COVID-19 và đến thời COVID-19 vẫn tiếp tục nhưng có biến đổi. "Những tranh chấp, xu hướng đặt ra câu hỏi cho Việt Nam ứng xử và tận dụng cơ hội ra sao, liệu các tranh chấp, xu hướng đó là trung hạn hay dài hạn", ông Thành nêu. Chẳng hạn, xu thế hướng đến tiêu dùng xanh, an toàn và nhân văn hơn; đồng thời tiêu dùng có tính toán cận trọng hơn, cắt giảm những mặt hàng không cần thiết.

Một xu thế khác là các nước có xu hướng tự chủ những mặt hàng chiến lược, nhưng vấn đề này đang gây tranh cãi về việc xác định mặt hàng chiến lược của các nước, nhưng chí ít các quan điểm đồng tình rằng 2 mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm và y tế.

Dưới tác động COVID-19, Việt Nam đứng trước yêu cầu giải quyết 3 bài toán có liên quan chặt chẽ với nhau. Thứ nhất là đảm bảo khống chế dịch và sống chung với nguy cơ dịch bệnh, vì chưa có dự báo chính xác dịch bệnh kéo dài bao lâu trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra vaccine kháng COVID-19.

Ở bài toán thứ 2, ông Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam cần đảm bảo duy trì, tồn tại và phục hồi kinh tế thời COVID-19. Đối với bài toán 3, Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc đi lên. Cả 3 bài toán trên Việt Nam cần lưu ý tốc độ giải quyết, đặc biệt là với câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài. Vị chuyên gia đặt vấn đề, nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi ra sao, chiến lược thu hút “đại bàng” FDI ra sao để ngăn họ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo cạnh tranh, đúng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Thành Đạt