Bản Để In

‘Việt Nam có thể đạt GDP đầu người cao nhất thế giới’

(Chinhphu.vn) – Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhận định Việt Nam sẽ có thể đạt được GPD đầu người vào loại cao nhất thế giới…

12/05/2016 05:25
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra sáng 5/11, nhóm công tác này đưa ra nhận định rằng Việt Nam có nguồn lao động với tiềm năng lớn nhất trong khu vực. Những đức tính được chỉ ra là chăm chỉ, thông minh và phối hợp tốt.

Lao động Việt Nam được đánh giá là chăm chỉ, thông minh và phối hợp tốt.


Nhóm cũng đưa dẫn chứng, nhân viên Việt Nam tại một số các công ty nước ngoài và trong nước đã có năng suất làm việc cao hơn gần như bất cứ nhân viên nào tại các nước khác trên thế giới.

“Nếu điều này có thể được nhân rộng ra tất cả các công ty thì Việt Nam sẽ có thể đạt được GPD đầu người cao nhất trên thế giới”, nhóm công tác nhận định.

Tuy nhiên, nhóm này chỉ ra rằng vẫn có những thách thức mà ngành giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt. Theo bà Phan Thị Hoàng Hoa, đồng trưởng nhóm, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp so với tiêu chuẩn khu vực. Một số kỹ năng hiện tại của người lao động ở Việt Nam còn nhiều thiếu sót và cần được cải thiện.

“Giáo dục không phù hợp gây ra tình trạng thất nghiệp sau đại học ngay cả khi nhu cầu lao động có chuyên môn là rất cao. Các công ty phải đào tạo lại nhân viên rất nhiều so với các nước khác trong khu vực”, bà Hoa nói thêm.

Bà khẳng định điểm mấu chốt là để nền kinh tế Việt Nam phát triển và tránh “bẫy thu nhập trung bình” cần có những thay đổi cơ cấu thực sự với sự tham gia của đa số các bên có liên quan và sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.

Để giải quyết những hạn chế về nguồn nhân lực, nhóm công tác đề xuất áp dụng một khung chuẩn quốc gia để tạo điều kiện tiếp cận, thúc đẩy và tiến bộ trong giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, sửa đổi các quy định hiện hành, như Nghị định 73/2012 về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thủ tục cấp phép nên được rút gọn lại và quy định nên tập trung vào quản lý chất lượng hơn là quản lý tiến trình.

Cụ thể như, chính sách hiện tại đang quy định rằng một doanh nghiệp đầu tư dài hạn (trên 20 năm) trong lĩnh vực giáo dục phải đáp ứng điều kiện về sở hữu cơ sở vật chất. Yêu cầu này nên được dỡ bỏ và cho phép nhà đầu tư có thể đi thuê cơ sở vật chất với điều kiện phải đáp ứng về yêu cầu chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, nhóm công tác đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ thành lập một Viện Nhân lực Quốc gia, tương tự như những gì Singapore, Phillipines, Thái Lan và nhiều quốc gia khác đã làm nhiều năm trước.

Viện này sẽ vận hành theo mô hình giống như các nước khác trong khu vực – không thuộc sự quản lý của Chính phủ, là tổ chức tư nhân phi lợi nhuận. Viện không có mục đích cung cấp đào tạo, mà đề ra những tiêu chuẩn theo yêu cầu của khu vực kinh tế tư nhân.

Khẳng định niềm tin rằng giải pháp Viện Nhân lực là chìa khóa nâng cao năng suất lao động, nhóm công tác cho biết Ngân hàng Thế giới đã bày tỏ mối quan tâm ban đầu thông qua việc đề xuất thảo luận hỗ trợ thành lập Viện Nhân lực nói trên.

Thanh Hằng