Bản Để In

Việt Nam sẽ đón “làn sóng" M&A thứ hai

(Chinhphu.vn) - Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong 5 năm tới sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình tái cấu trúc kinh tế và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

08/08/2014 09:40

 

Diễn đàn M&A VietNam Forum 2014 diễn ra ngày 7/8. Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, giá trị các thương vụ M&A tăng nhanh chóng, từ mức 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD vào năm 2013.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, quá trình tái cơ cấu kinh tế và quá trình cổ phần hóa (CPH) 432 DNNN sẽ tạo ra một làn sóng M&A mới tại Việt Nam.

Sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình cải cách thể chế, chương trình CPH nhiều DNNN quy mô lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân, sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với cơ hội M&A tại Việt Nam đang hình thành nên một làn sóng thứ hai với quy mô giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD.

Đánh giá về triển vọng đầu tư và các cơ hội M&A, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Vina Capital cho rằng, triển vọng nền kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn là rất tích cực, nền kinh tế đã dần ổn định và sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới, qua đó tạo điều đề thu hút các nhà đầu tư trong quá trình M&A...

Theo ông Andy Ho, môi trường vốn tại Việt Nam đã được cải thiện tích cực, nhờ sự ổn định bền vững trở lại của kinh tế vĩ mô. Năm 2013, chỉ số VN Index tăng 22% (tốt nhất tại thị trường các nước Đông Nam Á), xu hướng này tiếp tục tăng, với mức tăng 18% trong 7 tháng năm 2014.

Theo dự báo của Vina Capital, đến hết năm 2014, thặng dư thương mại của Việt Nam khoảng 3 tỷ USD, cam kết FDI khoảng 25 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng nội địa khoảng 14%.

Giám đốc điều hành Vina Capital cũng cho rằng, quá trình CPH các DNNN là một phần rất quan trọng với thị trường vốn đang phát triển tại Việt Nam, tạo ra tiền đề quan trọng cho quá trình M&A.

Ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, yếu tố tác động đến “Làn sóng M&A thứ hai” (giai đoạn 2014-2018) tại Việt Nam chính là các hoạt động CPH và hoạt động bán thoái vốn sau đó trong khu vực vốn Nhà nước với các tài sản lớn và có chất lượng tốt thuộc sở hữu Nhà nước.

Tuy nhiên, ông John Ditty cho rằng, làn sóng đầu tư này chỉ có thể diễn ra nếu những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp được xử lý và Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đã công bố, nhà đầu tư phải có lòng tin với các hoạt động quản lý, giao dịch minh bạch.

Đồng quan điểm trên, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Recof (Nhật Bản), cho biết Việt Nam là thị trường M&A lớn nhất đối với Nhật Bản. Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ thực hiện một số giao dịch có quy mô tương đối lớn với những công ty có chất lượng tốt về quản lý và kiểm soát nội bộ...

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần tập trung năng lực quản lý trong quá trình giao dịch, mức độ cung cấp thông tin phải trung thực, giá trị được chào phải rõ ràng minh bạch, nhận biết những vấn đề tiềm năng trong quá trình giao dịch…

Tại diễn đàn M&A 2014 tổ chức tại TPHCM vào chiều 7/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, 5 năm tới là giai đoạn mà Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tái cấu trúc DNNN và hệ thống tài chính ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong quá trình đó, nhiều đạo luật quan trọng đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật phá sản, Luật Chứng khoán… Chính phủ cũng đã thông qua chương trình CPH DNNN với hơn 400 doanh nghiệp quy mô lớn đang được diễn ra trong 2 năm (2014-2015).

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam hội nhập toàn diện và mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua việc đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc; Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan và tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Những nhân tố mới quan trọng nói trên đang tạo tiền đề cho sự xuất hiện một làn sóng M&A mới tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau và làn sóng này sẽ thúc đẩy thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và CPH DNNN.

Lê Anh