Bản Để In

Vinalines sẽ cổ phần hóa đúng thời hạn

(Chinhphu.vn) - Chậm nhất đến ngày 8/12, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ trình phương án cổ phần hóa. Sau khi được phê duyệt, Vinalines sẽ tiến hành các thủ tục để có thể tiến hành bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian sớm nhất.

08/14/2014 07:19

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn cho biết, đến nay, đã có 6 doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần gồm: Cảng Khuyến Lương, Cảng Quy Nhơn, Cảng Hải Phòng, Cảng Nha Trang, Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang.

Cùng với đó, Cảng Quảng Ninh đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành lập công ty cổ phần và đang thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. 5 cảng gồm cảng Sài Gòn, cảng Cam Ranh, cảng Năm Căn, cảng Nghệ Tĩnh, cảng Cần Thơ đã hoàn thành Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang trình Ban chỉ đạo xem xét, thẩm tra.

Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2014, riêng cảng Sài Gòn với vướng mắc do đang di dời nhưng cũng sẽ IPO trước quý II/2015.

Đồng thời, Vinalines đã có quyết định giải thể 5 doanh nghiệp: Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Thương mại xăng dầu đường biển; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ; Trung tâm Phát triển nhân lực Hàng hải Đông Nam Á; Công ty cổ phần Phát triển cảng Bến Đình Sao Mai.

Về công tác thoái vốn, Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại 20/37 doanh nghiệp, trong đó đã thoái toàn bộ rút gọn đầu mối được 14 doanh nghiệp thu về gần 75 tỷ đồng, bảo toàn được vốn đã đầu tư.

Hiện nay, Vinalines đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành đấu giá lần 2 của 5 doanh nghiệp và tiếp tục đấu giá 10 doanh nghiệp. Trong những tháng còn lại của năm 2014, Tổng Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái hết vốn tại 15 doanh nghiệp trên.

Đồng thời, ông Sơn cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về việc cho phép Tổng Công ty được tiếp tục thoái vốn tại các cảng: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Cam Ranh… xuống tỷ lệ nắm giữ còn 51% để tạo thêm nguồn dự kiến 2.062,95 tỷ đồng phục vụ cơ cấu nợ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tại các cảng này.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khoản nợ của Tổng Công ty đã được ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất và xem xét việc bán nợ cho Công ty mua bán nợ DATC. Bên cạnh đó, các ngân hàng như Vietinbank; ACB; TP bank; VietA bank… đang cân nhắc các khoản đầu tư của Tổng Công ty để chuyển nợ thành vốn góp.

Về việc tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, trong 7 tháng đầu năm nay, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty đã bán thêm được 3 tàu với tổng trọng tải 82 nghìn tấn, trong đó Công ty Vinashinlines đã bán 1 tàu trọng tải 65.081 tấn.

Trước đó, ngày 28/4, Tổng Công ty đã dừng dự án đóng tàu container 1.800 teus (HV03) để triển khai tính toán phân chia thiệt hại và tiến hành thanh lý tài sản. Riêng dự án đóng tàu 22.500 DWT (BV10), Tổng Công ty đang yêu cầu Công ty Vận tải biển Vinalines (VLC) và Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng tiếp tục tính toán, nếu không khả thi sẽ dừng dự án. Tương tự, với 2 dự án đóng tàu 47.500 DWT, Vinalines sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án xử lý phù hợp, giảm thiểu thiệt hại.

Theo kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ, đại diện Vinalines cho biết, chậm nhất ngày 15/9, Tổng Công ty sẽ trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, tiến hành công bố giá trị doanh nghiệp vào ngày 24/10. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng như danh sách đề xuất sẽ được công bố trong tháng 11. Chậm nhất ngày 8/12, Tổng Công ty sẽ trình phương án cổ phần hóa. Sau khi được phê duyệt, Vinalines sẽ tiến hành các thủ tục để có thể tiến hành IPO sớm nhất có thể.

 Phan Trang