Bản Để In

Vụ ùn tắc ở Mộc Bài: Thay vì “đổ lỗi” cho nhau…

(Chinhphu.vn) – Câu chuyện hàng trăm phương tiện giao thông ùn ứ tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đang nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi cả chính quyền và doanh nghiệp có ý “đổ lỗi” cho nhau.

08/19/2014 02:56

 

Tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) do doanh nghiệp phản đối mức thu phí đối với xe ra vào cửa khẩu - Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn (DN vận tải cung cấp).

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 16/8, khi tỉnh Tây Ninh bắt đầu thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào cửa khẩu Mộc Bài và cửa khẩu Xa Mát. Trước đó một tháng, HĐND tỉnh này ban hành nghị quyết quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào cửa khẩu.

Chỉ qua báo chí cũng không khó để nhận ra chính quyền Tây Ninh và doanh nghiệp chưa gặp nhau ở một số điểm, mà trước hết là việc đánh giá mức phí là cao hay thấp.

Tuổi Trẻ cho biết theo các doanh nghiệp vận tải, mức phí thu đối với xe container hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất là 2,5 triệu đồng/lượt là quá cao, phía đối tác Campuchia không đồng ý. Hiện tại, với những container đã hợp đồng, nhiều công ty phải bấm bụng bỏ tiền ra để chở hàng giao cho khách.

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một doanh nghiệp nói đã kiến nghị vấn đề thu phí quá cao với tỉnh Tây Ninh mà chưa thấy giải quyết. Còn ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh lại cho biết mức phí này theo quy định và thấp hơn nhiều so với các cửa khẩu quốc tế khác, do tỉnh nhận thấy doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Điểm chưa gặp nhau thứ hai là câu chuyện thông báo cho doanh nghiệp về việc thu phí. Doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh Tây Ninh triển khai thu phí quá gấp. “Theo thông lệ lẽ ra cơ quan chức năng phải thông báo trước một tháng để doanh nghiệp chuẩn bị, đằng này đùng một cái là thu chẳng khác nào đưa doanh nghiệp vào thế ép buộc”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Còn báo Tây Ninh thì cho rằng sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh đã tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp vận tải biết và tình trạng ùn tắc là do doanh nghiệp “không chịu đóng phí”.

Rõ ràng là hai bên đều có những lý do của riêng mình và dường như chưa bên nào thuyết phục được bên nào.

Thật ra, khi một loại phí được áp dụng thì chi phí với doanh nghiệp đương nhiên sẽ tăng lên. Nhưng chi phí đó không vô ích. Pháp lệnh về phí và lệ phí định nghĩa rằng “phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Muốn một mức phí “càng thấp càng tốt”, tốt nhất không thu phí, cũng là tâm lý bình thường của doanh nghiệp. Nhưng sử dụng dịch vụ thì phải trả phí, đó cũng là chuyện rất bình thường trong cơ chế thị trường.

Trong trường hợp này, bài toán của doanh nghiệp là cân nhắc thiệt hơn của việc trả phí để được sử dụng kết cấu hạ tầng. Nếu mức phí quá cao, thì họ sẽ lựa chọn phương án khác. Chính các doanh nghiệp cũng cho biết, nếu vẫn phải đóng phí quá cao thì chủ hàng phía Campuchia sẽ vận chuyển thẳng bằng tàu biển về Campuchia, chứ họ không đi qua Việt Nam nữa. Khi ấy, doanh nghiệp vận tải sẽ gặp khó.

Ngược lại, tỉnh Tây Ninh cũng không thể “nghĩ ra” một mức phí mà không có căn cứ nào. Bởi suy cho cùng, thì nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Khoản phí thu được trong trường hợp này cũng được nộp vào ngân sách và đầu tư trở lại cho các công trình, trong đó có các công trình hạ tầng tại cửa khẩu nơi thu phí, từ đó phục vụ doanh nghiệp.

Khi ngân sách nhà nước không thể và cũng không nên “ôm đồm” tất cả, thì việc thu phí là cần thiết để doanh nghiệp, người dân cùng chia sẻ gánh nặng ngân sách. Nhưng nếu mức phí không được doanh nghiệp chấp nhận, thì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp cũng không thực hiện được mà ngân sách cũng chẳng thu được đồng nào.

Có thể tỉnh Tây Ninh đã tham khảo kỹ lưỡng mức thu phí của các tỉnh, có thể rằng mức phí tại Mộc Bài thấp hơn nhiều cửa khẩu quốc tế khác, nhưng điều đó cũng chưa đủ để chứng tỏ rằng mức phí được áp dụng là hợp lý, phù hợp với thực tế. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên ngồi lại với doanh nghiệp, một mặt lắng nghe ý kiến của họ, một mặt giải thích chính sách để hai bên tìm tiếng nói chung.

Hà Chính