chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
![]() |
TS Nguyễn Đình Cung (trái) cho rằng việc thực thi Nghị quyết 19 phụ thuộc nhiều vào quyết tâm hành động của các Bộ trưởng. Ngồi cạnh ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh |
Tháng 3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP lần thứ 2, xác định, năm 2015 phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Năm 2016, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế.
Lĩnh vực cụ thể mà các vị khách mời tại tọa đàm đề cập là thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa – một trong những trọng tâm cải cách của Nghị quyết 19. Theo tính toán của các chuyên gia, các thủ tục này liên quan đến khoản kim ngạch xuất nhập khẩu 300 tỷ USD mỗi năm của Việt Nam và cứ giảm được 1 ngày làm thủ tục, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 1 tỷ USD mỗi năm.
Chậm so với yêu cầu
Theo ông Cung, sự vào cuộc đồng bộ giữa các cơ quan là rất quan trọng. Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát sau khi Chính phủ kiểm điểm đã quyết liệt chỉ đạo các vụ cục triển khai. Có những nơi làm rất nhanh, chẳng hạn sau một hội thảo, nghe doanh nghiệp kêu ca dăm gỗ xuất khẩu cũng phải kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật đã ra văn bản bãi bỏ ngay. Nhưng không phải tất cả các đơn vị thuộc Bộ này đều tích cực như vậy.
“Việc sửa đổi thông tư, kể ra các Bộ chỉ làm 1 tháng, thậm chí 1 tuần là xong, đâu cần vài ba tháng, vì Nghị quyết 19 của Chính phủ đã chỉ rõ hướng sửa rồi. Nhưng chúng ta thấy rằng không phải tất cả đã thực hiện”, ông Cung nói và điểm lại một số nhiệm vụ mà các bộ chưa triển khai như sửa đổi thông tư về kiểm tra formaldehyt, thông tư về khai báo hóa chất…
“Hải quan rất tích cực, nhưng việc sửa đổi những văn bản mà Nghị quyết 19 đã yêu cầu làm ngay là chậm và với cách làm như thế này thì tôi nghĩ rằng trong năm nay không sửa được. Một số Bộ đã tích cực, nhưng một số Bộ chưa tích cực. Việc cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành đang chậm so với yêu cầu của Nghị quyết và chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Cung nhấn mạnh.
Nghị quyết 19 yêu cầu: - Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. - Năm 2015, thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. - Năm 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. |
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định riêng ngành Hải quan sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Ngành đã đưa vào hệ thống thông quan điện tử tự động, khoảng 80% số tờ khai giao dịch qua luồng xanh với thời gian thông quan tính bằng giây. Với số hàng còn lại, theo Luật Hải quan mới, thì thời gian kiểm tra giấy không quá 2 giờ, kiểm tra thực tế cũng không quá 8 giờ. Đặc biệt, ngành cũng chuyển mạnh sang hậu kiểm, đặc biệt là với hàng gia công xuất khẩu và nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu đã chuyển hoàn toàn sang hậu kiểm, tức là thông quan trước, kiểm tra sau.
Tuy nhiên, thời gian thông quan hàng hóa không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của ngành Hải quan, mà còn chịu tác động từ các thủ tục quản lý chuyên ngành như kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa… Một yếu tố rất quan trọng khác là thời gian bốc dỡ hàng hóa tại cảng và thời gian lưu thông hàng hóa trong nội địa.
Tỏ ra thông cảm với các Bộ, ông Vũ Ngọc Anh cho biết lãnh đạo các Bộ đều rất ủng hộ, nhưng việc xây dựng lại toàn bộ bộ thủ tục hành chính liên quan là không đơn giản và rất cần thời gian, nhất là với các bộ quản lý nhiều mặt hàng như Bộ NNPTNT, Công Thương, Y tế…
“Tôi cảm thấy rất buồn”
Tuy nhiên, vấn đề dường như không dừng lại ở đó, khi vẫn có ít nhiều những động thái chính sách dường như "đi ngược dòng" cải cách.
“Tôi cảm thấy rất buồn”, ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ khi nhắc đến một dự thảo mới đây của Bộ Y tế về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu.
Theo dự thảo này thì việc kiểm tra sẽ do các tổ chức kiểm tra thực hiện, nhưng việc “thông báo kết quả xác nhận lô hàng đạt/không đạt yêu cầu nhập khẩu” lại do Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện. “Nếu thế thì lại đi ngược tinh thần Nghị quyết 19, vì doanh nghiệp sẽ lại phải mất thêm rất nhiều thời gian chờ đợi”, ông Thân cảnh báo.
Cả ông Vũ Ngọc Anh lẫn ông Nguyễn Đình Cung đều cho rằng quy định như vậy sẽ làm tăng thêm thủ tục. Thậm chí, theo ông Cung, tốt nhất là không cấp bất kỳ giấy tờ nào, theo nguyên tắc im lặng là đồng ý, chỉ khi nào không đạt thì mới cấp thông báo. Hơn nữa, về lâu dài cũng không cần cơ quan nhà nước thực hiện, mà cho phép các tổ chức tư nhân đủ điều kiện kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết luận của họ…
Những hiện tượng không phải cá biệt như vậy khiến ông Nguyễn Văn Thân lo ngại rằng việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19 sẽ không dễ đạt được trong 2 năm tới. Tuy nhiên, nếu đạt được phần lớn cũng đã là một bước tiến rất dài và đã đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều gánh nặng.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện ngành Hải quan tin rằng mục tiêu của Nghị quyết 19 vẫn hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay, nếu không phải tất cả thì cũng đạt được cơ bản. Ông Vũ Ngọc Anh cho biết, hiện Tổng cục Hải quan đã rà soát và có ý kiến về về 9/19 luật, 19/54 nghị định, 126/186 thông tư, quyết định của bộ quy định về quản lý chuyên ngành.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng mục tiêu vượt ASEAN-6 trong năm 2015 và bắt kịp ASEAN-4 trong năm 2016 hoàn toàn có thể đạt được với một chữ “nếu”, dù đây là những mục tiêu rất “tham vọng” và đầy thách thức.
“Khi thảo luận về Nghị quyết, Thủ tướng có đặt vấn đề rằng tại sao thế giới làm được mà ta không làm được, nếu mình chưa biết cách làm thì cứ lấy các thông lệ tốt trên thế giới mà áp dụng. Nếu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành bám sát, theo dõi từng nhiệm vụ đã được Nghị quyết giao, chỉ đạo thật sát sao, thật cụ thể, kiểm điểm theo từng tháng, ai làm được khen thưởng, ai không làm được thì cho người khác vào làm… thì công việc sẽ chạy ngay”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Thành Đạt