chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam
Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia
Ứng dụng công nghệ nhà kính và tưới tiết kiệm giúp tăng giá trị, chất lượng nông sản và thân thiện môi trường. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm nay). Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm và đạt được thành tựu rất tích cực. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế, thực sự trở thành hình ảnh quốc gia và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, chúng ta phải có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Bà Dina Umali Deininger, Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua và hiện nay đạt khoảng 42 tỷ USD/năm, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đối diện nhiều vấn đề như việc nhiều tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với những vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, không khí, mặn hoá, giảm đa dạng sinh học và suy thoái đất...
Bà Dina Umali Deininger cho rằng phải quản lý các yếu tố đầu vào khoa học hơn, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, cải thiện xử lý rơm rạ, chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm hơn đến thị trường carbon bởi Việt Nam vẫn còn dư địa giảm phát thải khí nhà kính. Với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ xanh, sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội nâng giá trị cao hơn. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp cũng cần chú ý hơn đến việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển dịch vụ thuỷ lợi…
Ông Robert Hanson, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhìn nhận: Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cần thúc đẩy hiệu quả công tác lãnh đạo quản lý, sự hợp tác của các bên liên quan. Bên cạnh đó, đổi mới, sáng tạo và công nghệ sẽ là chìa khoá để Việt Nam đạt được mục tiêu trên.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh; hợp tác phát triển thuốc thú y, thủy sản và hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp luật. “Sự hợp tác của chúng tôi thời gian tới sẽ tiếp tục được phát triển và chúng tôi cam kết là đối tác mạnh mẽ tại Việt Nam”, ông Robert Hanson nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ quan điểm coi ngành nông nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt các yếu tố văn hoá, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức - kinh tế tương lai mà chúng ta đang sống, không chỉ dừng lại ở kinh tế cổ điển như bình thường.
Bộ trưởng cũng cho rằng, để làm được điều đó, ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, từ đó tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới; xây dựng hệ sinh thái kinh tế nông thôn...
Đây chính là minh chứng về việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới để phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.
Đỗ Hương