• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Dự kiến điều chỉnh tiền thuê đất, phí đường bộ cho DN

06/05/2016 4:48 PM

(Chinhphu.vn) – Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong 5 nhóm giải pháp lớn được Chính phủ dự kiến tại dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo dự thảo Nghị quyết này và Cổng TTĐT Chính phủ vừa giới thiệu toàn văn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Trước đó, dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra trong hai ngày 4 và 5/5. Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp thu những ý kiến phù hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành.

Để thực hiện mục tiêu trên, dự thảo đề xuất 5 giải pháp sau: 1- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; 2- Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; 3- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; 4- Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; 5- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Chi phí là một trong những vấn đề lớn được cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 29/4 vừa qua. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Trước tiên là các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.

Điều chỉnh tiền thuê đất, phí đường bộ

Nay, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về đất đai theo hướng điều chỉnh tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp để bảo đảm tính cạnh tranh, ổn định, dễ áp dụng và thực hiện cho doanh nghiệp.

Rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá chi phí lưu kho, lưu công, lưu bãi, bốc xếp, cước phí vận tải biển… và đề xuất phương án điều chỉnh để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Rà soát, điều chỉnh chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội, để doanh nghiệp thích ứng, điều chỉnh chi phí quản lý, sử dụng lao động phù hợp.

Bộ Công an rà soát quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo đảm minh bạch, đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu chuyên môn, đồng thời loại bỏ những quy định, điều kiện hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Mở rộng chi phí được giảm trừ cho DN

Dự thảo Nghị quyết cũng dự kiến giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016, xử lý nợ đọng thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…

Đồng thời trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp…, trình Chính phủ vào quý IV năm 2016.

Bộ Tài nguyên và Môi trường  chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách về đất đai cho phép các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp (trong trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm) và doanh nghiệp thứ cấp được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn dài hạn.

Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt để phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sửa đổi các quy định về đấu giá đất thống nhất với quy định lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu; sửa đổi thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư, trình Chính phủ trong quý III năm 2016.

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hà Chính

Top