• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Thủ tướng: Doanh nghiệp, người dân vẫn than phiền nhiều

26/03/2016 3:32 PM

(Chinhphu.vn) – “Doanh nghiệp, người dân vẫn còn than phiền nhiều, nhất là về phẩm chất, năng lực cán bộ, nhiều khi không phải do thủ tục mà do cán bộ bắt thêm dấu chấm, dấu phẩy, trả đi trả lại hồ sơ, rất mệt mỏi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ hết sức chú ý cải thiện môi trường kinh doanh, hết sức chú ý cải cách.

Thủ tướng yêu cầu các bộ hết sức chú ý vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.-Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 26/3, Chính phủ đã thảo luận về tình hình triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2016 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Thêm nhiều Bộ “vào cuộc”quyết liệt

Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết số 19, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã nêu rõ những kết quả cũng như hạn chế.

“Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của một số Bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, thuế. Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết”, Bộ trưởng nhận định.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề kiểm soát các quy định về quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và các quy định về điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư và cũng là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19.

“Từ 1/7 tới đây, tất cả các điều kiện kinh doanh phải được quy định tại cấp nghị định trở lên, còn dưới cấp nghị định đều hết hiệu lực. Cho tới nay vẫn còn rất nhiều quy định dưới cấp nghị định. Hiện Tổ công tác của Thủ tướng đang làm việc với các bộ và các tỉnh thành để có một báo cáo đầy đủ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc xây dựng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ để triển khai Luật Đầu tư đang bị chậm và gặp nhiều vướng mắc. Bộ sẽ làm việc cụ thể với các bộ liên quan như Bộ Công Thương, nhằm xây dựng một hệ thống các điều kiện kinh doanh vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết hiện có tới 36 thông tư của Bộ quy định về các điều kiện kinh doanh. Các thông tư này từ 1/7 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khối lượng công việc lớn, Bộ kiến nghị xây dựng một Nghị định duy nhất với quy trình rút gọn để có thể sửa đổi, bổ sung toàn bộ các quy định trong các thông tư này.

Đã giữ trọng trách mới, song Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng vẫn dự phiên họp Chính phủ với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh tăng cường tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công. Đây cũng chính là những định hướng rất quan trọng, xuyên suốt qua các Nghị quyết 19.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19. - Ảnh VGP/Nhật Bắc

“Doanh nghiệp cứ đứng xếp hàng là không được”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đánh giá trong triển khai các Nghị quyết 19 năm 2014, 2015, một số bộ đã rất tích cực, tạo chuyển biến ngay, giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. “Nhưng phải nói thẳng là nhiều bộ chưa tích cực lắm”.

Nhận xét dự thảo Nghị quyết mới được xây dựng công phu, với những nhiệm vụ rất chi tiết, cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý để Nghị quyết sớm được ban  hành.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dành nhiều thời gian đề cập nội dung này. Nhắc tới một lĩnh vực cụ thể là cấp phép xây dựng, Thủ tướng yêu cầu vừa phải bảo đảm an toàn, vừa phải tiến hành cải cách.

“Thiết kế kỹ thuật thì dù công trình xây dựng của ai, Nhà nước cũng phải quản lý, vì còn liên quan đến quy hoạch, rồi có sập không, có cháy nổ không. Nhưng làm sao để công khai, minh mạch quy trình, thủ tục, vừa chặt chẽ, bảo đảm an toàn, vừa đơn giản cho người dân. Doanh nghiệp cứ xếp hàng ở cơ quan xây dựng là không được”, Thủ tướng yêu cầu.

Trước đề nghị của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần “một văn bản sửa nhiều văn bản” và đề nghị Bộ NNPTNT trao đổi cụ thể với Bộ Tư pháp, nếu được thì bảo đảm triển khai chặt chẽ, đúng quy định.

Nhìn lại quá trình triển khai các Nghị quyết 19, Thủ tướng nhận định môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện rõ nét, khả năng tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa là hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta. Thực tế cho thấy lĩnh vực nào mà Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt, như thuế, hải quan, thì đều có bước tiến rõ nét.

“Các bộ cần hết sức chú ý vấn đề này, hết sức chú ý cải cách. Doanh nghiệp, người dân còn than phiền nhiều, nhất là về phẩm chất, năng lực cán bộ, nhiều khi không phải do thủ tục mà do cán bộ bắt thêm dấu chấm, dấu phẩy, trả đi trả lại hồ sơ, rất mệt mỏi. Từng bộ cần kiểm soát mạnh cái này, cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trực tiếp góp ý vào dự thảo Nghị quyết 19 năm 2016; sau khi Nghị quyết được ban hành thì mỗi bộ ngành, địa phương phải có chương trình, kế hoạch hành động để triển khai cụ thể. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng để cải cách thủ tục hành chính.

Hà Chính

Top