• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Bộ Công Thương trình phương án xuất khẩu gạo mới nhất

28/04/2020 8:12 AM

(Chinhphu.vn) - Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Chính phủ về phương án xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020.

Ảnh minh họa

Đạt mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực

Dẫn nguồn từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cho biết, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc.

Trong đó, tiêu thụ của người dân 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống, giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.

Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Trong đó, riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong quý I/2020 đạt 1,52 triệu tấn, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.

Với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng “gối đầu” từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200 nghìn tấn), sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu là khoảng 1,3 triệu tấn.

Bộ Công Thương đánh giá, nhờ vào thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong nước, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như tại thời điểm cuối tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, nguồn cung thóc gạo vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; vụ Đông Xuân tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa. Dự kiến lượng gạo hàng hóa của vụ Hè Thu có thể xuất khẩu là khoảng 2,3-2,4 triệu tấn.

Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm trở lại đây, với năng lực thông quan của các cảng/cửa khẩu quốc tế hiện nay, ta chưa khi nào xuất khẩu được 700 nghìn tấn gạo/tháng. Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5/2020 xuất khẩu được 700 nghìn tấn, ta vẫn còn tồn ít nhất là 600 nghìn tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ. Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3/2020.

Thông tin thêm về tình hình thế giới, Bộ Công Thương nhận định, dự kiến đầu tháng 5/2020 giá gạo thế giới có thể giảm do Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc và cung ứng ra thị trường lượng gạo tương đối lớn. Bên cạnh đó, một số nước đã chủ động tự túc nguồn cung lương thực hoặc bổ sung dự trữ lương thực từ nhiều nguồn khác nên khả năng hút hàng từ Việt Nam không còn đáng báo động như thời điểm cuối tháng 3/2020.

Kiến nghị xuất khẩu gạo bình thường

Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Kể từ ngày 1/5/2020, dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo”.

Đồng thời, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Để duy trì, bảo đảm an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị  định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.

Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Bộ NN&PTNT đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.

Phan Trang

Top