• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Cải cách thuế, hải quan: Cần sự kiên trì

01/01/2015 10:16 AM

(Chinhphu.vn) - Từ nửa cuối năm 2014, sau một loạt các giải pháp quyết liệt, công tác cải cách thủ tục hành chính trong 2 lĩnh vực thuế, hải quan đã đạt được những kết quả hết sức khích lệ, nhưng đấy mới chỉ là bước đầu.

Những bước chuyển tích cực về thời gian

Trong lĩnh vực thuế, một loạt văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế, đã được ban hành, điển hình như Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi một loạt các thông tư để cải cách, đơn giản TTHC về thuế đã cắt giảm được 201,5 giờ kê khai, nộp thuế/năm; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế đã giúp thời gian thực hiện nộp thuế của doanh nghiệp tiếp tục giảm được 88,36 giờ/năm.

Tiếp theo đó, với sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế của doanh nghiệp sẽ giảm tiếp 80 giờ/năm.

Trong lĩnh vực hải quan, ngay từ đầu năm 2014, cũng đã có bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách TTHC, thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Chẳng hạn như, triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS). Đến nay, gần 50.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia hệ thống VNACCS/VCIS; với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 170 tỷ USD và gần 4,5 triệu tờ khai.

Đồng thời, việc triển khai áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó, đã giảm đáng kể thời gian để hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam giao lưu qua biên giới. Thực hiện tốt Cơ chế này, thời gian thông quan hàng hóa sẽ giảm được 3,5-4 ngày và tiết kiệm từ 10-20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, Thông tư số 126/2014/TT-BTC quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng góp phần giảm nhiều thủ tục và vướng mắc đối với doanh nghiệp. Việc nộp thuế của doanh nghiệp sẽ được cập nhật nhanh chóng, thường xuyên, chính xác hơn, qua đó hạn chế tối đa việc treo nợ thuế của người nộp thuế.

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC

Mặc dù cải cách TTHC thuế, hải quan đã đạt được những kết quả cao về thể chế, song so với yêu cầu bền vững đặt ra, trong năm 2015, ngành Tài chính còn nhiều việc phải làm.

Tại nhiều nước trên thế giới, đồng bộ với cải cách TTHC còn có những đổi mới về xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh hiện đại hóa về thuế, hải quan... Điển hình như, từ năm 1996, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ gọn nhẹ, năng động. Trong đó rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh tư nhân hóa, khuyến khích các thành phần tham gia các loại dịch vụ, trong đó có dịch vụ hành chính thuế, hải quan.

Tại Singapore đã phát triển Chính phủ điện tử, đã phổ cập và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính thuế, hải quan trên môi trường mạng, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ theo mô hình "Chính phủ di động".

Chính phủ Anh cũng đã thường xuyên thực hiện rà soát cắt giảm quy định hành chính cho các doanh nghiệp nhỏ, giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, rà soát TTHC, ban hành chương trình One In-One Out (một vào, một ra).

Một số khu vực kinh tế phát triển và đô thị ở Trung Quốc thực hiện dịch vụ hành chính công chủ yếu như đăng ký thuế, hải quan qua mạng. Thủ đô Bắc Kinh thiết lập mạng nội bộ "Cửa sổ thành phố"… Ngoài ra, một số nước như Đan Mạch, Canada, New Zealand đặc biệt coi trọng việc đơn giản hóa những thông tin cần thiết trên các mẫu đơn thuế.

Bên cạnh cải cách TTHC thuế, nhiều nước còn đa dạng hóa các hình thức thanh toán thuế, thanh toán điện tử; thực hiện thanh toán qua ngân hàng, bưu điện, bằng điện thoại và qua Internet. Cụ thể như Australia thanh toán thuế qua ngân hàng, bưu điện chiếm tỷ lệ 24%, điện thoại 3% và qua Internet là 60%; Nhật Bản thanh toán qua ngân hàng, bưu điện là 75%; Italy thanh toán qua ngân hàng, bưu điện là 29%, qua Internet là 30%; Hàn Quốc thanh toán qua ngân hàng, bưu điện là 69% và qua Internet là 18%…

Không dừng lại ở cải cách TTHC, một số nước còn đi vào đơn giản hóa pháp luật về thuế và hải quan. Đối với các nước đang phát triển, một hệ thống chính sách thuế đơn giản sẽ dễ quản lý và dẫn đến mức độ tuân thủ cao hơn một hệ thống thuế phức tạp. Chẳng hạn, Thái Lan chỉ áp dụng một mức thuế suất đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các nước đang phát triển còn thực hiện đơn giản hóa về thuế suất các loại thuế; đơn giản hóa cơ cấu giá, cấu trúc về thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, áp dụng một ngưỡng thuế GTGT duy nhất để đơn giản pháp luật về thuế, thực hiện một thuế suất thuế GTGT; ngưỡng đăng ký đủ cao giúp cho cả hai đối tượng nộp thuế và quản lý thuế hiểu và dễ áp dụng.

Một số quốc gia, nhất là các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu đã thực hiện cải cách chính sách thuế thu nhập cá nhân theo hướng xoá bỏ biểu thuế lũy tiến, áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân. Điều này đã tạo tiền đề tốt cho cải cách về TTHC thuế.

Từ thực tiễn cải cách TTHC thuế, hải quan của các nước, có thể rút ra một số bài học, đó là:

Tập trung cải cách trực tiếp vào TTHC, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC từ số lượng đến nội dung.

Đẩy mạnh hiện đại hóa trong cải cách. Thông qua môi trường mạng, thực hiện công khai, minh bạch pháp luật và cung cấp thông tin về TTHC thuế, hải quan, thực hiện khai thuế, khai hải quan qua Interrnet, trên cơ sở đó thực hiện việc cung cấp cho dịch vụ hành chính thuế, hải quan, thanh toán thuế trên môi trường mạng.

Từng bước đơn giản hóa pháp luật thuế, từ thuế suất đến cơ chế tính thuế, biểu thuế; đơn giản hóa pháp luật hải quan cả về chính sách hàng hóa lẫn thủ tục thông quan, kiểm tra hải quan.

Rà soát, đơn giản hóa chính sách pháp luật về thuế, hải quan

Có 3 nhóm giải pháp để đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, hải quan.

Trước tiên là củng cố và hiện thực hóa các quy định pháp luật về cải cách TTHC thuế, hải quan đã ban hành và đang phát huy tác dụng tích cực thời gian qua.

Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phải xây dựng, ban hành các quy trình nghiệp vụ phù hợp với các cải cách về TTHC làm cơ sở áp dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại công chức thuế, hải quan để vừa nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước về thuế, hải quan, vừa nắm vững TTHC thuế và quy trình nghiệp vụ quản lý thuế để vận hành thông suốt.

Riêng trong lĩnh vực thuế còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, giúp doanh nghiệp, người nộp thuế tiếp cận được chính sách pháp luật thuế vừa để hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình, vừa nắm vững quy trình thủ tục khai, nộp thuế để thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, tăng tính tự nguyện trong việc chấp hành pháp luật thuế. Đồng thời, xúc tiến ngay việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, phát triển đội ngũ đại lý thuế, có vai trò cánh tay nối dài của cơ quan thuế, tạo điều kiện để người nộp thuế được cung cấp dịch vụ về thuế tốt nhất.

Tiếp đó là giải pháp đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý thuế, quản lý hải quan hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến. Đi đôi với việc thiết lập hệ thống dịch vụ công về thuế, hải quan trực tuyến đạt cấp độ IV theo quy định của Chính phủ, tiến tới áp dụng tự động hóa đầy đủ các mẫu kê khai thuế; tăng cường sử dụng các hình thức dịch vụ thanh toán thuế hiện đại của các ngân hàng thương mại như thu thuế qua ATM, bưu điện, Internet…

Nhóm giải pháp thứ ba là chuẩn bị điều kiện để đi vào rà soát và đơn giản hóa chính sách pháp luật về thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, đơn giản hóa TTHC. Các thuận lợi về chính sách pháp luật thuế, hải quan liên quan đến thuế suất, phương pháp tính, giá tính thuế (đối với lĩnh vực thuế) và về chính sách quản lý mặt hàng, về cơ chế kiểm tra hàng hóa trong quá trình thông quan, sau thông quan (đối với lĩnh vực hải quan) sẽ giúp cho cải cách hành chính thuế, hải quan bền vững hơn.

Tiếp thu kinh nghiệm các nước, kiên trì giải pháp, chắc chắn chúng ta sẽ còn gặt hái được những thành công trong năm 2015 và các năm sau.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính

Top