• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Chính phủ chống “lạm phát” thông tư

23/09/2014 6:36 PM

(Chinhphu.vn) – Nhận định tình trạng “lạm phát” ban hành thông tư đã kéo theo không ít hệ lụy, Chính phủ đề xuất “công cụ” mới để hạn chế.

Cụ thể, trong tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại phiên họp ngày 22/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhận định bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế lớn.

Nhiều thông tư thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. - Ảnh minh họa (nguồn Báo Tuổi Trẻ)

Một trong số đó là chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư, dẫn đến tình trạng “lạm phát” thông tư và “khép kín” trong quy trình ban hành thông tư. Từ đó, nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, còn hiện tượng thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Mặt khác thì hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định do chất lượng nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư - kinh doanh và cuộc sống người dân…

“Đè nghị định, vượt luật”

Trên thực tế, có không ít ví dụ chứng tỏ những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh doanh, kết quả rà soát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành mới đây cho thấy, toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật, trong đó có  176 Thông tư cùng 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ.

Và với 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi chỉ có 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”) thì có tới 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”). Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong đó có không ít mang tính áp đặt chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào, gây thêm khó khăn và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, thông tư chính là loại văn bản quy phạm pháp luật bị người dân và doanh nghiệp than phiền nhiều nhất. Nói như tác giả Ngô Việt Hòa, từ một công ty luật, nhận xét trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Không phải ngẫu nhiên mà như một thông lệ, người dân thường tìm đến thông tư như nguồn tham khảo đầu tiên khi có vướng víu với pháp luật thay vì các văn bản pháp lý cao hơn như nghị định và luật. Cũng không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên gia, doanh nhân than phiền về việc vẫn có chuyện thông tư đè nghị định, vượt luật, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Một ví dụ vẫn còn “nóng hổi”. Đó là việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đình chỉ hiệu lực của Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Việc đình chỉ này được thực hiện chỉ vài ngày trước khi văn bản này chính thức có hiệu lực (1/9/2014), sau rất nhiều những lời phàn nàn của cộng đồng doanh nghiệp và sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo hãy lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp.

Thêm các “công cụ” mới

Từ thực tế này, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng “lạm phát” ban hành thông tư, đồng thời khắc phục tình trạng “khép kín” trong quy trình ban hành thông tư, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của thông tư được ban hành.

Dự thảo Luật đã dành một mục riêng (Mục 4 Chương V) để quy định về quy trình soạn thảo, ban hành thông tư với một số cơ chế mới. 

Thứ nhất, đối với dự thảo thông tư có quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân và doanh nghiệp thì bắt buộc phải đánh giá tác động, lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với thông tư có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân); lấy ý kiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đối với thông tư liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của doanh nghiệp) (khoản 3 Điều 91) và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan.

Thứ hai, để bảo đảm tính khách quan và nâng cao chất lượng của dự thảo thông tư, khoản 1 Điều 92 của dự thảo Luật quy định: Đối với thông tư có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp hoặc có tính đa ngành, đa lĩnh vực thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định dự thảo.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, đích thân chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ dừng Thông tư 20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành khi xây dựng chính sách “phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp”.

Và người đứng đầu Chính phủ cũng đã hơn một lần nhắc nhở các Bộ ngành, nhất là từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi trong ba khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết yêu cầu thực hiện hiệu quả, thì hoàn thiện thể chế được xếp đầu tiên.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 19/8 rà soát các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/9  về khởi sự kinh doanh, Thủ tướng đều nhấn mạnh: “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”.

Với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, một lần nữa, thông điệp phải đẩy mạnh cải cách thể chế với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp lại được Chính phủ phát đi. Và lần này, đã có thêm những “công cụ” mới để loại bỏ dần các quy định tùy tiện, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

 Hà Chính

Top