- An Giang
- Bình Dương
- Bình Phước
- Bình Thuận
- Bình Định
- Bạc Liêu
- Bắc Giang
- Bắc Kạn
- Bắc Ninh
- Bến Tre
- Cao Bằng
- Cà Mau
- Cần Thơ
- Điện Biên
- Đà Nẵng
- Đà Lạt
- Đắk Lắk
- Đắk Nông
- Đồng Nai
- Đồng Tháp
- Gia Lai
- Hà Nội
- Hồ Chí Minh
- Hà Giang
- Hà Nam
- Hà Tây
- Hà Tĩnh
- Hòa Bình
- Hưng Yên
- Hải Dương
- Hải Phòng
- Hậu Giang
- Khánh Hòa
- Kiên Giang
- Kon Tum
- Lai Châu
- Long An
- Lào Cai
- Lâm Đồng
- Lạng Sơn
- Nam Định
- Nghệ An
- Ninh Bình
- Ninh Thuận
- Phú Thọ
- Phú Yên
- Quảng Bình
- Quảng Nam
- Quảng Ngãi
- Quảng Ninh
- Quảng Trị
- Sóc Trăng
- Sơn La
- Thanh Hóa
- Thái Bình
- Thái Nguyên
- Thừa Thiên Huế
- Tiền Giang
- Trà Vinh
- Tuyên Quang
- Tây Ninh
- Vĩnh Long
- Vĩnh Phúc
- Vũng Tàu
- Yên Bái
Chính phủ đi đúng hướng trong các chính sách trọng tâm, xây dựng nền tảng tốt cho tăng trưởng
(Chinhphu.vn) – Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và triển khai chiến lược vaccine, các chính sách kinh tế trọng tâm. Cùng với đó, nhiều tín hiệu khá lạc quan từ nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy việc thực hiện “mục tiêu kép”, tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là điều vẫn có thể đạt được trong năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, đất nước đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Điều kiện đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có những quyết sách, giải pháp đặc biệt. Trong trung và dài hạn, phải khơi thông, hỗ trợ, thúc đẩy những trụ cột mới, động lực mới của tăng trưởng như chuyển đổi số, kinh tế xanh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo.
Chiến lược vaccine trúng và toàn diện, các chính sách đúng hướng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã kiên định quan điểm thực hiện “mục tiêu kép”, thực hiện các chính sách linh hoạt, phù hợp để nền kinh tế sớm vượt qua cú sốc và khôi phục tốc độ tăng trưởng.
Điều này đem lại kết quả tích cực khi Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm nước có số người tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân thấp nhất, đồng thời kinh tế đạt mức tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, vào quý II/2021 sau khi Chính phủ kiện toàn, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với 3 đợt bùng phát trước do có biến chủng mới, đặt ra những thử thách lớn hơn cho Chính phủ.
Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kịp thời đưa ra chiến lược vaccine và thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân, huy động các nguồn lực trong nước, tích cực triển khai ngoại giao vaccine, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh nghiên cứu và sản xuất vaccine.
“Đây là chiến lược căn bản rất phù hợp, tôi cho là rất “trúng”, đồng thời cũng là điểm nhấn nổi bật nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sau kiện toàn. Cách tiếp cận như vậy là vừa đúng trọng điểm (căn cốt phải là vaccine), vừa toàn diện (vẫn phải là kết hợp 5K vaccine và giãn cách, cách ly xã hội khi cần thiết), huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vừa kết hợp với phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương để phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, vừa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ để hỗ trợ các địa phương”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Đánh giá về các chính sách kinh tế của Chính phủ, Ông Tuấn cho rằng các chính sách đang đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, ví dụ như việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ các trọng điểm là các khu công nghiệp, đồng thời có những hỗ trợ mới cho người lao động như gói 26 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã có định hướng rất rõ ràng là phải thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, coi đây là trụ cột quan trọng của phục hồi tăng trưởng.
Ngoài ra, tình hình thu hút FDI 6 tháng đầu năm vẫn tốt, vốn đăng ký mới và tăng vốn của các dự án đầu tư FDI vẫn tăng mạnh, đạt hơn 15 tỷ USD, thực hiện giải ngân FDI cũng tương đương, thậm chí còn tốt hơn các năm chưa có dịch bệnh.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong COVID-19 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, giảm chi phí lãi vay, tạm dừng hoặc lùi thời hạn đóng một số loại phí… vẫn đang đúng hướng và đem lại hiệu quả thiết thực bởi lực lượng doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Hay hiệu quả chính sách về ổn định vĩ mô cũng là tốt, thể hiện qua việc 6 tháng đầu năm 2021, lạm phát chỉ khoảng 1,47%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm qua.
Nhiều tín hiệu lạc quan của sự phục hồi nền kinh tế
Bình luận thêm về việc trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khi Chính phủ chưa đề nghị điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã đề ra (GDP tăng trưởng từ 6%-6,5%), PGS. TS Bùi Quang Tuấn cho rằng chúng ta có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh.
Thứ nhất, có thể nhìn thấy khá rõ những cơ sở cho tăng trưởng tốt là 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,91%, trong khi đó năm 2020 con số này chỉ là khoảng 2,7%. Thứ hai, xuất khẩu tăng hơn 28%, đặc biệt xuất khẩu vào các thị trường truyền thống tăng cao như Mỹ là hơn 43%, EU là hơn 17%. Nhiều sản phẩm nông sản có tăng trưởng xuất khẩu tốt. Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng điểm triển vọng của Việt Nam lên “Tích cực”, vì thế FDI tiếp tục được thu hút với thành tích không kém gì các năm không có dịch bệnh.
“Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021 có tình trạng nhập siêu quay trở lại nên có một số ý kiến lo lắng. Tôi cho rằng điều này không đáng lo ngại vì mức nhập siêu là nhỏ, khoảng 1,7 tỷ USD và cũng chỉ là tình trạng nhất thời, có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới khu vực FDI”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhận định.
Giải thích thêm về vấn đề này, PGS. TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, từ năm 2016 trở lại đây, Việt Nam liên tục xuất siêu và xu hướng này ngày càng rõ. Năm 2020, xuất siêu của Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản và các sản phẩm chế biến, chế tạo khá tốt do tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có các FTA thế hệ mới. Do đó, nếu có nhập siêu cũng chưa thể làm thay đổi xu hướng xuất siêu mạnh mẽ đang có, cũng chưa thể làm ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô, dẫn tới làm ảnh hưởng và xói mòn ổn định vĩ mô.
“Tổng hợp những điều này cho thấy nền tảng để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đang tiếp tục xây dựng vẫn đang là khá tốt”, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, các trụ cột ở đầu tàu của nền kinh tế như: TP Hồ Chí MInh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng vẫn có đóng góp tốt trong 6 tháng qua. Tiêu dùng cũng tăng khá, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định chung, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, có thể có “đứt gẫy” chỗ này, chỗ kia nhưng không vì thế mà các nền tảng cho xu hướng phục hồi bị ảnh hưởng mạnh. Nếu chúng ta kiểm soát được COVID-19, thì mức tăng trưởng 6-6,5% vẫn có thể đạt được. Hiện một số tổ chức quốc tế cũng dự báo năm 2021 Việt Nam vẫn có thể đạt tăng trưởng ở mức khá cao (Standard Chartered Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%, Ngân hàng thế giới dự báo khoảng 6,6 %, HSBC dự báo là 6,1%, ADB dự báo 5,8%).
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát được dịch bệnh; phải đáp ứng được điều kiện tiên quyết này mới có thể phục hồi tăng trưởng tốt.
Tình trạng đặc biệt cần cơ chế đặc biệt
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cũng đề xuất, trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian tới, cần có các giải pháp “đánh chặn từ xa”, áp dụng sớm, trên cơ sở tăng cường dự báo, phân tích xu hướng lây lan dịch bệnh, rút kinh nghiệm của một số địa phương để có điều chỉnh chính sách sớm, kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua gần một năm rưỡi, những doanh nghiệp còn trụ lại trên thị trường là những doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt, nhưng đến thời điểm này cũng đã dần “mỏi”, yếu đi nhiều, cần phải có sự hỗ trợ ngay. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và chờ giải thể vẫn đang tăng từ 20-23%.
Vì vậy, “phải có những giải pháp cấp cứu mạnh mẽ hơn để đối phó với tình huống nguy cấp, không loại trừ việc cần xem xét có những gói mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như khoanh nợ, giảm lãi suất tín dụng, giảm thuế, một số trường hợp đặc biệt có khi phải miễn một số loại thuế trong một khoảng thời gian…”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kiến tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giải quyết những tồn đọng, khơi thông nguồn lực. Hoặc phải có những giải pháp đột phá, đi tắt trong tình hình khủng hoảng của dịch bệnh.
Đơn cử như giải ngân đầu tư công còn vướng mắc nhiều về thủ tục, nên chăng phải có những quy định đặc biệt để rút ngắn thủ tục, làm tắt và đẩy nhanh giải ngân áp dụng trong điều kiện “đặc biệt” không? Tương tự như vậy, các thủ tục để nghiên cứu, đăng ký và sản xuất vaccine có thể phức tạp và nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian thì cần có những quy định đặc biệt để xử lý không?
“Tình trạng đặc biệt thì cần phải có cơ chế đặc biệt”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nêu đề xuất.
Thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn
Đồng thời cần xem xét rà soát, bổ sung thể chế, chính sách để khơi thông, hỗ trợ những trụ cột mới, động lực mới của tăng trưởng như kinh tế số, chuyển đổi số. Trong khủng hoảng COVID-19, các hình thức sản xuất, dịch vụ truyền thống đi xuống, riêng kinh tế số, chuyển đổi số, đặc biệt là thương mại điện tử… lại lên ngôi. Đây là xu hướng của tương lai, phổ biến trên thế giới và không thể đảo ngược. Do đó, chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng đó và phải phát huy vai trò của trụ cột này để có đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vấn đề bây giờ là phải triển khai nhanh và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trên thực tế, tận dụng lợi thế sẵn có của dân số trẻ, tỷ lệ cao dân số tiếp cận internet và có điện thoại thông minh của thị trường gần 100 triệu dân... Đây cũng chính là một trong những cơ hội tốt để chúng ta phục hồi nhanh.
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng là việc phát huy giá trị con người, tinh thần yêu nước, quật cường của dân tộc. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ khát vọng vươn lên, trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, tiến tới nước phát triển vào năm 2045. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau kiện toàn đã hết sức chú trọng việc khơi dậy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, không trông chờ, ỷ lại.
Qua những đợt bùng phát của dịch COVID-19 càng cho thấy nhân dân ta vốn luôn có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn, tinh thần vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Vấn đề bây giờ là phải phát huy nền tảng giá trị này lên, không chỉ khi có tình huống khẩn cấp, khó khăn như dịch bệnh, khủng hoảng, mà cần phải phát huy giá trị đó cả trong điều kiện bình thường để đạt được khát vọng, nhất là khi chúng ta bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh.
Một điều nữa không kém phần quan trọng là phải cho người dân biết, hiểu rõ hơn về tình hình và các chính sách của Chính phủ để có sự hợp tác tốt với Chính phủ. Người dân chung tay cùng Chính phủ hành động thì chẳng những tất cả các nguồn lực đều được huy động mà mỗi chính sách của Chính phủ đưa ra đều có thể được cộng hưởng từ ý thức và sáng tạo của người dân. Chính phủ, người dân và cả xã hội cùng phải đồng hành. Truyền thông do vậy cực kỳ quan trọng trong xu hướng này.
Dài hạn hơn, khi đất nước quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, ngoài phục hồi theo hướng số hóa, thì chúng ta cũng cần quan tâm tới xu hướng phục hồi “xanh”, xu hướng “xanh hóa” để thực hiện tăng trưởng xanh, đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bền vững không chỉ là chú ý đến năng suất và hiệu quả về kinh tế, về các khía cạnh môi trường, mà còn phải tính đến cả các yếu tố xã hội, tạo ra công bằng, bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, không bỏ ai lại phía sau.
Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, đã đưa ra các gói hỗ trợ, can thiệp vào nền kinh tế để phục hồi nền kinh tế trong thời gian dịch bệnh COVID-19, trong đó có lồng ghép nhiều nội dung phục hồi “xanh” như tạo việc làm “xanh”, khuyến khích phát triển các ngành “xanh”, chuyển đổi theo hướng “xanh hóa".
“Chúng ta cần nắm bắt các xu hướng số hóa, xanh hóa này và điều chỉnh chính sách ngay từ bây giờ, ngay từ khâu thiết kế mô hình tăng trưởng chứ không đợi làm xong “kinh tế nâu” rồi mới chuyển sang “kinh tế xanh”. Cần bắt đầu kinh tế xanh ngay từ bây giờ, nếu không sau này sửa cũng không kịp và chúng ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường và xã hội.
Có như vậy, Việt Nam mới có tâm thế của một quốc gia vượt ra khỏi khủng hoảng thành công, chuyển động với quỹ đạo cao hơn, nhanh hơn, bền vững hơn. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta bứt phá và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực trong quá trình phát triển”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.
Kết luận cuộc họp tối ngày 23/7 với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động, đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn như miễn, giảm thuế và các khoản đóng góp. |
Hoàng Giang
các tin mới nhận
Livestream bán hàng: Khai, nộp thuế như thế nào?
Chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp áp dụng từ 1/10/2024
Đề xuất 11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
Đề xuất thay đổi cách xác định tuổi của tàu biển
Ngân hàng thương mại phải xây dựng lộ trình tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần
Tin đọc nhiều