• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Để tiêu chuẩn không là rào cản

31/10/2020 10:50 AM

(Chinhphu.vn) – Tiêu chuẩn hóa là tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhưng thời gian qua, nhiều câu chuyện thực tiễn đã cho thấy những vấn đề đáng lưu tâm xung quanh một số tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa được xây dựng, ban hành. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đề cập vấn đề này trong loạt bài viết “Để tiêu chuẩn không là rào cản”.

Bài 1: Câu chuyện tiêu chuẩn: Từ nước mắm đến thép

Nhỏ như một cây kim, lớn như máy bay Boeing cũng cần được tiêu chuẩn hoá. Tuy nhiên, câu chuyện tiêu chuẩn hóa cũng lại là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận gay gắt.

Dự thảo tiêu chuẩn nước mắm chưa đảm bảo sự đồng thuận - một trong ba nguyên tắc quan trọng nhất của một văn bản khi ban hành, theo cơ quan soạn thảo. Ảnh: VGP

Đầu tháng 3/2019, dư luận “dậy sóng” tại họp báo cung cấp thông tin về dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra trong dự thảo không hợp lý, gây khó khăn, thậm chí triệt tiêu nước mắm truyền thống.

Hay hồi giữa năm 2020, doanh nghiệp inox lo lắng “đứng ngồi không yên” về Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ có hiệu lực vào ngày 1/6/2020 gần như chặn đứng nguồn nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.

Kết quả, một dự thảo phải tạm dừng và một Thông tư tạm lùi thời hạn.

Đối với câu chuyện nước mắm, trước nhiều ý kiến trái chiều, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội… nhằm bảo đảm sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất kinh doanh nước mắm.

Thời điểm ấy, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc lý giải, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành. Song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc.

Phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Ví dụ, có giai đoạn thì chất lượng đối với sản phẩm xăng dầu không được quan tâm nhưng hiện nay lại được quản lý rất chặt chẽ.

Mỗi bộ tiêu chuẩn phải bảo đảm sự  đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Phải bảo đảm sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, "việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần xem lại bởi các “điều kiện cần” như trên không bảo đảm”.

Nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá nghi ngờ vấn đề lợi ích nhóm ở đây. Bởi nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp là 2 phương thức sản xuất khác nhau, dựa vào các yếu tố khác nhau song nếu nhìn về góc độ nhà sản xuất, người tiêu dùng, góc độ xã hội đều phải hướng tới mục tiêu chung đó là hiệu quả nhưng phải an toàn. Dự thảo đó nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.

Tuy nhiên, cần khẳng định việc phòng ngừa rủi ro là cần thiết. Song quy định mà trở thành rào cản và gây bất lợi thì cần xem lại. Nước mắm truyền thống không đơn thuần là một sản phẩm, mà nó còn là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Do đó, một tiêu chuẩn dù nhằm mục đích gì cũng phải đáp ứng yêu cầu giúp lưu giữ, bảo tồn một nghề truyền thống, để không chỉ giữ lại phương tiện mưu sinh cho người dân mà còn là bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Việc Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn về nước mắm, vốn gây tranh cãi, đã thể hiện sự lắng nghe đầy cầu thị của cơ quan quản lý. Nhưng nên gọi tên các loại nước gia vị như thế nào, tiêu chuẩn, quy chuẩn ra sao trong thời gian tới để tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, điều này rất cần sự công tâm của ban soạn thảo.

Tháng 6/2020, trong văn bản gửi Bộ KH&CN, các doanh nghiệp inox cho biết: Thông tư 15 Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” (QCVN 20:2019/BKHCN) không bao quát hết dẫn đến tình trạng “siết” đầu vào nguyên liệu thép không gỉ nhưng “thả nổi” chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp được sản xuất từ thép này nhập vào Việt Nam. Chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi không thể cạnh tranh được nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang.

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, ngày 10/8/2020, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BKHCN ngưng hiệu lực thi hành Thông tư 15/2019/TT-BKHCN đến hết ngày 31/12/2021.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, sau khi được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giải đáp các thắc mắc, các doanh nghiệp về cơ bản đã hiểu rõ và nhất trí sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ.

Vấn đề duy nhất hiện nay còn vướng nằm ở chỗ, có một số doanh nghiệp đang kiến nghị cơ quan quản lý cho phép chấp nhận các mặt hàng thép theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất/doanh nghiệp tự công bố thay vì hiện nay quy định phải tối thiểu đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.

“Nếu để doanh nghiệp tự công bố theo tiêu chuẩn cơ sở của họ thì rất dễ xảy ra việc họ không quy định các thành phần theo mức cụ thể hoặc quy định thành phần ở mức thấp dẫn đến việc sản xuất ra các sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng cũng như gian lận thương mại”, ông Linh cho hay.

Vườn sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-2:2017 của HTX Tân Dân. VGP

Tiêu chuẩn là giá trị cốt lõi

Thực tế nhiều doanh nghiệp đã coi vấn đề tiêu chuẩn là giá trị cốt lõi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình để nâng cao chất lượng sản phẩm trong thị trường nội địa cũng như trong tiến trình đưa hàng Việt ra thế giới.

HTX nông nghiệp hữu cơ Tân Dân, huyện Sóc Sơn được thành lập hơn một năm qua, với diện tích 6,2ha tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội. Đây là một trong những HTX sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu ở Hà Nội và hiện đang có đầu ra tương đối ổn định.

Chị Lê Thị Hải Quỳnh, Giám đốc HTX chia sẻ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện không còn xa lạ đối với nhiều nông dân ở Hà Nội nhưng để áp dụng thành công và thu được lợi nhuận là cả một quá trình. Hiện tại HTX sản xuất rau màu hữu cơ theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-2:2017.

Trong quá trình triển khai, các thành viên mới thấu hiểu nỗi vất vả khi sản xuất rau màu hữu cơ bởi các tiêu chuẩn cao và chặt chẽ như: Đất phải có đủ độ màu mỡ, nước tưới đều phải được xử lý, bảo đảm không có kim loại nặng và các chất độc hại; trong quá trình sản xuất, người dân phải dùng vôi xử lý đất tránh mầm bệnh, ủ, trộn đất với xơ dừa, bón phân hữu cơ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển….

Tuy nhiên với quyết tâm cao, hiện nay, toàn bộ quá trình sản xuất của HTX đã tuân thủ nghiêm theo quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ nhằm bảo đảm nguồn rau cung ứng cho thị trường sạch 100%. Môi trường sản xuất cũng không phải chịu những áp lực từ hóa chất.

Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 30 đến 46 tấn rau ăn lá, 15 tấn rau ăn củ và khoảng 6,2 tấn rau gia vị, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu so với đơn đặt hàng. Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ tăng cường sản xuất, mở rộng thêm 2ha để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Từng thực hiện tiêu chuẩn Global Gap cho trang trại rau quả với quy mô nhỏ để thí điểm, ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc công ty rau quả thực phẩm Antesco, cho biết: “Làm tiêu chuẩn vất vả lắm, nhưng khi xuất được sang thị trường nước ngoài thì cảm giác vui sướng vô cùng”.

Hiện nay các sản phẩm rau, củ của Antesco xuất hiện ở 90% cửa hàng ăn uống (sử dụng làm món tráng miệng) tại Nhật Bản.

“Thực hiện theo tiêu chuẩn trước hết là mang lại lợi ích cho chính mình với không gian xanh, môi trường sạch rồi sau này là giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận”, ông Luận đúc kết.

Tiêu chuẩn và quy chuẩn giống như một công cụ hai chiều. Khi chúng ta xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì đều hướng tới việc tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tiêu chuẩn quy chuẩn cũng là công cụ để đảm bảo chất lượng theo đúng nhu cầu của người tiêu dùng, là công cụ bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy tiêu chuẩn, quy chuẩn phải đảm bảo tính công bằng, hài hòa. Cơ quan nhà nước khi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phải đảm bảo hai điều đó.

Không thể phủ nhận một thực tế là vẫn có những tiêu chuẩn, quy chuẩn lạc hậu, không sát với thực tế hay vẫn còn nhiều sản phẩm, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn quốc gia…Tuy nhiên không phải vô cớ mà các nền kinh tế dù cao hay thấp vẫn chọn việc tăng tốc tiêu chuẩn hóa như một giải pháp cho phát triển: bằng việc “bắt buộc” hoặc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn, qua đó nhà nước có thể nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế để đương đầu với cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

(còn nữa)

>> Bài 2: Ban hành tiêu chuẩn: Những vấn đề cần tính tới

Hoàng Giang
Top