• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

DN xuất khẩu nông sản quyết tâm giữ sản xuất trong điều kiện phải an toàn

03/08/2021 11:25 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, người đứng đầu các doanh nghiệp khi được hỏi đều thể hiện tinh thần quyết tâm giữ sản xuất trong điều kiện phải an toàn. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là được tiêm vaccine cho người lao động, giúp họ yên tâm sản xuất và chuẩn bị nguồn lực để có thể nhanh chóng tận dụng những cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cả ở trong nước và các thị trường tiêu thụ.

Ảnh minh họa
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt hơn 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2020, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đợt dịch thứ 4, ngành này hiện gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ để hoàn thành kế hoạch cả năm, khoảng 45 tỷ USD.

Thực hiện Chỉ thị 16: Ách tắc được tháo gỡ kịp thời

Với 5 nhà máy sơ chế đặt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thu mua trái cây trên phạm vi toàn vùng, đưa hàng về TPHCM xuất khẩu nên Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T hiện đang gặp không ít khó khăn khi TPHCM và các tỉnh phía nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Ngày đầu TPHCM triển khai các chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ, xe gần như không thể lưu thông. Rất may tình trạng này chỉ kéo dài qua ngày thứ hai thì Bộ GTVT và các địa phương đã phối hợp tháo gỡ”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T nói đến các văn bản hướng dẫn xét nghiệm cho tài xế và hướng dẫn áp dụng mã phân luồng xanh cho xe vận chuyển hàng hóa xuất khẩu hoặc cung ứng hàng thiết yếu.

Doanh nghiệp này hiện phải tổ chức hai đội lái xe để tài xế thay ca. Tài xế sau khi xét nghiệm âm tính thì từ TPHCM đi các tỉnh nhận hàng và đưa hàng về các cảng tại TPHCM. Sau 3 ngày tài xế phải xét nghiệm lại, trong thời gian đó có tài xế khác thay ca.

“Cũng phát sinh chi phí xét nghiệm nhưng đó là một biện pháp giải quyết trong tình hình dịch bệnh”. Ông Tùng cho biết, sau này để giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ GTVT hướng dẫn áp dụng mã QR luồng xanh cho phương tiện, tạo thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hóa đi liên tỉnh, thay vì phải trình giấy tờ xét nghiệm ở tất cả các chốt của từng địa phương.

Luân phiên lái xe cũng là cách mà Công ty CP Thuỷ sản Thuận Phước ở Đà Nẵng đã tổ chức cho các đội xe lưu thông liên tỉnh trong điều kiện tài xế phải có xác nhận xét nghiệm âm tính. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Thuận Phước cho biết, những ngày đầu khi 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội, tại nhà máy ở Tiền Giang, xe thu mua vào các vùng nguyên liệu tôm rất khó khăn, tuy nhiên ngay sau đó địa phương đã phối hợp tháo gỡ cho xe lưu thông vào vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, nhìn nhận có sự lúng túng trong chỉ đạo thu hoạch ngay thời điểm tỉnh này phát sinh dịch bệnh.

“Khi áp dụng Chỉ thị 16, người lao động không thể ra ngoài, dẫn đến khan hiếm nhân công. Những ngày đầu, khâu thu hoạch một số loại nông sản chủ lực của tỉnh bị ách tắc, các địa phương trong tỉnh khá lúng túng trong chỉ đạo thu hoạch”. Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, ngay sau đó, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cùng ngồi lại với người dân, thương lái, doanh nghiệp thu mua lên kế hoạch rất rõ ràng, cụ thể, từ việc thành lập các tổ hỗ trợ thu hoạch, có danh sách địa điểm, lao động làm việc, đóng gói, vận chuyển đến từng địa bàn và đến nay vấn đề thu hoạch nông sản đã ổn định.

Khó từ vùng nguyên liệu

Sau sự vào cuộc của ngành chức năng và các địa phương, việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương đã thuận lợi hơn dù chưa thể như thời điểm trước dịch. Nhưng ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng trong tình hình hiện nay, còn lưu thông, còn sản xuất được là rất tốt với doanh nghiệp.

Vina T&T đang có 10 đầu xe thường xuyên lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh và đội xe từ các nhà máy sơ chế đi các vùng thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, một số vùng đang phong tỏa do dịch bệnh dẫn đến thiếu lực lượng thu hái. Hoặc một số vùng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người trồng không chăm sóc được theo yêu cầu nên ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, trong khi thị trường nội địa giảm mức tiêu thụ. Tình trạng đó cùng với cả những thông tin đồn thổi nông sản từ vùng dịch có thể lây lan dịch bệnh dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm hơn.

Theo ước tính của doanh nghiệp, những tác động cộng dồn như vậy khiến mức tiêu thụ trong giai đoạn này chỉ đạt khoảng 50% so với bình thường.

Điều này cũng xảy ra với xuất khẩu thuỷ sản. Ông Trần Văn Lĩnh cho biết, có những thời điểm doanh nghiệp rất thiếu nguyên liệu khi Đà Nẵng đóng cửa một số chợ cá. Các chợ cá đồng thời cũng là bến cá, đóng cửa chợ thì tàu cá không thể đổ hàng và phải neo đậu ngoài khơi chờ thêm từ 7-10 ngày khi hết thời gian phong tỏa các chợ cá. Tình trạng này không chỉ gây thiếu nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy thủy sản mà chất lượng nguyên liệu cũng giảm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) nhận định, nếu dịch bệnh kéo dài, duy trì các biện pháp giãn cách xã hội thì các vùng nuôi sẽ thu hẹp quy mô do người nuôi không dám thả giống, không tái nuôi, như vậy sẽ có gián đoạn về nguyên liệu cho những tháng tới.

Cước phí logistic bào mòn lợi nhuận

Tất cả những phát sinh liên quan đến phòng dịch lại không phải là trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, cước vận tải đang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Lĩnh lý giải, hàng xuất khẩu mang tiếng xuất giá cao nhưng nằm nhiều ở chi phí vận chuyển, chi phí vận hành, do vậy, giá xuất khẩu cao nhưng biên độ lợi nhuận thấp hơn bình thường.

Trước đây mỗi container hàng trị giá 150.000 USD thì doanh nghiệp chịu phí vận chuyển khoảng 3.000 USD, bây giờ giá trị hàng vẫn vậy nhưng phí vận chuyển tăng lên 15.000 USD/container (40 feet), gấp 5 lần, tương đương 10% giá trị hàng. Thậm chí có thời điểm cước vận chuyển gấp đến 8-10 lần.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 9.600 USD/container (40 feet), tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch. Thậm chí, chi phí logistic đi TP. New York (Mỹ) lập đỉnh mức 18.000-19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch.

Cái khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu là đa số bán theo phương thức CIF, bên xuất khẩu phải trả phí cước tàu. Nếu nhà nhập khẩu không chia sẻ thì chi phí đó sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp Việt.

Giá bán thì khó tăng bởi thực tế các thị trường tiêu thụ cũng đều mới phục hồi, người tiêu dùng không chấp nhận giá tăng cao và cuối cùng doanh nghiệp Việt phải "gánh".

Doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc vào các hãng vận tải quốc tế vì chúng ta hiện không có hãng vận tải nào có tàu và có đường vận chuyển container quốc tế.

Thế nhưng ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận chi phí container tăng vọt, đăng ký được container thì không còn chỗ trên tàu. “Ví dụ, tàu chứa được 1.000 container nhưng khi qua đến Việt Nam chỉ còn 20 chỗ trống, chủ tàu lại sắp xếp ưu tiên hàng trả cước tàu cao hơn, mình lại phải chờ”, ông Lĩnh nói.

Chưa kể do dịch bệnh, có những chuyến hàng tại Đà Nẵng không có tàu tới cảng nên phải chuyển hàng vào cảng Cát Lái - TPHCM. Tình trạng này kéo dài khoảng 3 tháng nay.

Tạm thời giảm quy mô hoạt động để giữ an toàn

Cũng như tất cả các ngành khác, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản cũng đều phải thu hẹp quy mô trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Theo “Vua chuối” Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Nhật Bản, Trung Quốc hiện vẫn ổn, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng giảm không nhiều. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa thể sớm kết thúc nên cần tránh để xảy ra những vướng mắc trong lưu thông như vừa qua  Ông Huy cho biết, trong khu vực, tỉnh nào cũng có hàng nông sản xuất khẩu nên chính quyền cần phải phối hợp và linh hoạt để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Với Vina T&T, 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng 25% so với 2020, tuy vậy, trong tháng 7, doanh nghiệp đã giảm 40% năng lực xuất khẩu so với trước dịch. “Trước đây, mỗi tháng xuất khẩu trên 100 container trái cây, nhưng khoảng một tháng nay, Công ty chỉ xuất khoảng 60-70 container”, ông Tùng tính toán.

Đây cũng là thực tế ở những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Ông Trương Đình Hòe cho biết công suất của các hội viên hiện giảm từ 30-50% do tuân thủ giãn cách theo quy định an toàn phòng dịch.

Thời điểm này các vùng nuôi vào vụ thu hoạch, thị trường cũng có nhu cầu cung ứng nhưng doanh nghiệp của hiệp hội xác định chấp hành nghiêm các quy định an toàn phòng dịch. “Lúc này tập trung cho các đơn hàng đã đến hạn giao hàng, hoặc những đơn hàng truyền thống, còn lại phải lùi lại”, ông Hoè thông tin.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp trong ngành rất vất vả khi vừa không để lây nhiễm dịch bệnh, vừa bảo đảm đơn hàng. Nhà máy ở Tiền Giang của Thuận Phước đang thực hiện “ba tại chỗ” cho 500 người, từ chỗ làm, nơi ăn, chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt đều phải bảo đảm yêu cầu an toàn phòng dịch. “Ví dụ đơn giản như hệ thống nhà vệ sinh cho 500 người đúng yêu cầu phòng dịch cũng đã tốn chi phí rất lớn”, ông Lĩnh chia sẻ. Hiện nay, cứ hai tuần test định kỳ, test nhanh và PCR đều rất tốn chi phí.

“Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tới 30% nhưng lợi nhuận không nhiều, thậm chí lợi nhuận còn bị 'đe dọa' do phát sinh quá nhiều chi phí. Sáu tháng tới sẽ như thế nào đây? Chúng tôi vẫn đặt ra mục tiêu kép, nhưng trước hết là bảo đảm cuộc sống cho người lao động”, ông Lĩnh cho hay.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, các ách tắc về vận chuyển hiện cơ bản đã được tháo gỡ, mối quan tâm của doanh nghiệp bây giờ là làm sao “ba tại chỗ” an toàn để sản xuất. Mặc dù doanh nghiệp cũng sẽ có những phương án nhưng cũng rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền sở tại trong phòng, chống dịch, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.

Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, người đứng đầu các doanh nghiệp khi được hỏi đều thể hiện tinh thần quyết tâm giữ sản xuất trong điều kiện phải an toàn. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là được tiêm vaccine cho người lao động, giúp họ yên tâm sản xuất và chuẩn bị nguồn lực để có thể nhanh chóng tận dụng những cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cả ở trong nước và các thị trường tiêu thụ.

Mạnh Hùng

Top