• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ

27/07/2021 8:28 PM

(Chinhphu.vn)- Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19
Nhiều chính sách đồng hành cùng DN được nhưng cần cải thiện thủ tục

Trong kiến nghị vừa gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, VCCI đánh giá, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ COVID-19. Theo thống kê chưa đầy đủ của VCCI, tính đến hết tháng 7 năm 2021, các bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng gần 100 văn bản về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể gộp thành 3 gói hỗ trợ lớn về: Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế TNCN, tiền thuê đất,...); chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng); chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng)…

Về cơ bản, các doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành. Các chính sách hỗ trợ về thuế được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất, tiếp đến là hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, thứ ba là hỗ trợ giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay.

Từ đầu năm 2021 tới nay, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã liên tục có những chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3 đến 6 tháng. Như vậy, đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp tiếp tục là trọng tâm chính sách. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết như: Nghị quyết số 55/NQ-CP, ngày 2/6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện: Thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (đợt 3) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 283/BC-BCT ngày 27/5/2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam…

Có thể thấy rằng, các chính sách được ban hành trong bối cảnh cấp bách, chưa có tiền lệ, với nguồn lực nhà nước có hạn cho thấy sự đồng hành của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù còn một số hạn chế nhưng các chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 gây ra.

Chính sách hỗ trợ đa mục tiêu

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, VCCI có một số kiến nghị với Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để thể chế hoá nội dung về mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

VCCI kiến nghị xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho giai đoạn mới 2021-2025.

Theo dự báo, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính tổng thể và dài hạn hơn. Hiện nay nhiều chính sách miễn giảm các mức thuế và nhiều chính sách quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cần tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

VCCI kỳ vọng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025; có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, như tiếp tục chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.

Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.

VCCI kiến nghị, cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.

Về dài hạn, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. Đại dịch COVID-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Australia… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. VCCI cho rằng, với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những lĩnh vực/ngành cần phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nhất.

"Cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn", VCCI  khuyến nghị.

Anh Minh
Top