• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Luật mới siết DNNN, mở cho DN tư nhân

11/12/2014 10:20 AM

(Chinhphu.vn) - Với các luật mới, trong khi doanh nghiệp khối tư nhân được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, thì doanh nghiệp nhà nước lại chỉ được hoạt động trong 4 lĩnh vực.

Quốc hội vừa thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của các luật thuế… nhằm thực hiện một trong ba khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”.

Dĩ nhiên để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội còn cần phải thông qua nhiều đạo luật quan trọng khác. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh hai nội dung thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Hành trình phần tư thế kỷ

Việc thay đổi tư duy từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” trong Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân theo Hiến pháp 2013 - công dân được làm những gì mà Luật không cấm.

Thật vậy, nếu nhìn suốt quá trình Đổi mới từ năm 1991, khi ra đời Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, thì quyền tự do kinh doanh của công dân (một loại quyền đương nhiên trong thể chế kinh tế thị trường) để được xác lập đã trải qua 3 thời kỳ: Phải được Nhà nước cho phép trước khi lập doanh nghiệp (Luật năm 1991); được đăng ký lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề theo giấy phép đăng ký (Luật năm 2000); được kinh doanh những gì mà luật không cấm hoặc ghi điều kiện (Luật năm 2014).

Nói cụ thể là cho đến thời điểm này (vì các luật mới đến ngày 1/7/2015 mới có hiệu lực) doanh nghiệp chỉ kinh doanh những gì được Nhà nước cho (gọi là “chọn cho”); khi luật mới có hiệu lực thì doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà luật không ghi rõ là cấm (gọi là “chọn bỏ”).

Theo Điều 6 Luật Đầu tư (sửa đổi) chỉ có 6 loại ngành nghề cấm hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều 7 Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tức là những ngành nghề phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được cụ thể hóa tại Phụ lục số 4 kèm theo Luật. Các điều kiện kinh doanh cũng “phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tránh tình trạng các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước đề ra các loại “giấy phép con” như đã từng xảy ra.

Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp kinh doanh chấp hành tốt pháp luật, định hướng cho doanh nghiệp hoạt động tự giác tuân thủ pháp luật và hạn chế “đất sống” của doanh nghiệp làm ăn sai trái và sự nhũng nhiễu của một bộ phận công chức thừa hành công vụ. Đây chính cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.

Giới hạn cho doanh nghiệp Nhà nước

Nhận thức về doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được giới hạn đối với những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khoản 8, Điều 4 Luật này quy định, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, sẽ chấm dứt tình trạng những công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên biến thành doanh nghiệp Nhà nước như quy định hiện hành, tạo sự bất bình đẳng giữa Nhà nước với nhà đầu tư khác cùng có tư cách là cổ đông trong một công ty, làm sai lệch tính chất của loại hình công ty đối vốn.

Từ sự thay đổi nhận thức về doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã giới hạn phạm vi ngành nghề thành lập doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 10 Luật này quy định Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong 4 lĩnh vực, cụ thể là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Sự giới hạn này còn có tác dụng định hướng cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại số lượng doanh nghiệp Nhà nước hiện hữu, tập trung nguồn lực đang kinh doanh của Nhà nước vào mục tiêu thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước.

Để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Điều 108 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bắt buộc doanh nghiệp Nhà nước phải công bố thông tin định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu những nội dung liên quan đến công ty và thực trạng quản trị công ty gần như các quy định đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Yêu cầu minh bạch về thông tin đối với doanh nghiệp Nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thực hiện các hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng và công chúng.

Có thể nói, những đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý để tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.

Tuy nhiên, việc áp dụng luật vào cuộc sống có kết quả đến đâu còn tùy thuộc ở bộ máy vận hành từ Trung ương đến địa phương, tức là còn tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức nền hành chính và đội ngũ công chức thực thi công vụ.

Chúng ta kỳ vọng đến sự đổi mới đồng bộ giữa thể chế kinh tế với đổi mới nền hành chính công và tài chính công, mà những dự án luật có liên quan đang nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sẽ thông qua trong năm 2015.

TS. Trần Du Lịch

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Top