• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Ma trận thuế

16/09/2017 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp Việt Nam nằm trong ma trận các quy định về thuế khi cơ quan quản lý liên tục có đề xuất sửa luật.

Phân bón, thức ăn chăn nuôi vốn không chịu thuế đang được đề xuất chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Chuyện thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi là một ví dụ. Trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung năm luật thuế mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ, cơ quan này đề xuất chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi vốn không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Mục tiêu là để các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi được khấu trừ và hoàn thuế GTGT, tháo gỡ khó khăn phải gánh chịu suốt gần ba năm qua khi thực hiện khoản 3a, điều 5, Luật Thuế GTGT từ đầu năm 2015. Theo quy định trên, các mặt hàng này không chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào, phải tính vào chi phí sản phẩm, đẩy giá thành tăng và lợi nhuận giảm, gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Đây là tin tạm vui với các doanh nghiệp trong ngành vì cuối cùng thì những tiếng thở than của họ đã được cơ quan chức năng ghi nhận và đồng ý sửa đổi. Trước đó, họ kiến nghị “được” chịu thuế GTGT 5% trở lại như trước khi Luật Thuế GTGT (Luật 71/2014/QH13) có hiệu lực hoặc chịu thuế 0% để được khấu trừ, hoàn thuế nhưng đều bị từ chối. Chẳng hạn, tại Công văn 3637/BTC-CST ngày 18/3/2016 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính lý giải rằng chính sách phân bón không chịu thuế GTGT phù hợp với thực tế, thông lệ quốc tế, đã góp phần giảm giá mua cho người nông dân. Bởi lẽ, phân bón không chịu thuế ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Khi không chịu thuế, giá bán của thương nhân không có thuế GTGT, người nông dân được giảm giá. Trong khi đó, giá bán của doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ở khâu sản xuất lại tăng ở mức 0,71% so với trước đó.

Lần này, nếu đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua và áp dụng từ đầu năm 2019 thì thêm một lần nữa, trong vòng bốn năm, chính sách thuế GTGT với phân bón, thức ăn chăn nuôi... lại thay đổi và trở về trạng thái cũ.

Ma trận thuế không còn thì doanh nghiệp mới chuyên tâm sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng nhiều thuế cho ngân sách.

Câu chuyện về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng hoặc bốn quí liên tục là một ví dụ khác. Ngày 6/4/2016, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Quốc hội đã thông qua Luật số 106/2016/QH13 với một điều khoản được sửa đổi như sau: “Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quí thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo”. Quy định như vậy, theo Bộ Tài chính, là để phù hợp với bản chất của thuế GTGT (thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng). Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Vậy nhưng, sau một năm áp dụng, cũng chính Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc bốn quí thì được hoàn thuế GTGT. Cơ sở của đề xuất này là nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (lâu nay không được hoàn thuế nên số thuế đầu vào phải tính vào chi phí, phải ứng vốn để nộp thuế), phù hợp với bản chất của thuế GTGT...

Bỏ chuyện hợp lý hay không hợp lý của những đề xuất kể trên sang một bên, chỉ nói về chuyện liên tục điều chỉnh, bổ sung các quy định trong luật, cũng đủ thấy chính sách thuế với doanh nghiệp thay đổi nhanh chóng ra sao. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là thực tế này cho thấy tính bất ổn của luật pháp. Hậu quả là doanh nghiệp, người dân rơi vào một ma trận văn bản thuế và khó lòng mà theo kịp.

Chuyện không theo kịp, rất dễ thấy, không chỉ với người nộp thuế mà cả với những người thực thi chuyện thu thuế. Cứ theo dõi mục “văn bản mới” trên trang web của Tổng cục Thuế hay cục thuế tỉnh, thành nào đó là phần nào hiểu được vấn đề. Mỗi ngày, các cơ quan này phát hành cả tá công văn để trả lời thắc mắc, hướng dẫn việc thực hiện cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp. Câu trả lời bao giờ cũng là căn cứ luật này, nghị định kia thì thực hiện như thế này. Nghĩa là, quy định thì có sẵn. Nhưng việc thực hiện lại có vẻ rất lúng túng và khó tuân thủ.

Câu hỏi đặt ra là, một văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành đều qua một quy trình lấy ý kiến góp ý, thảo luận, bàn bạc... mà sao lại có tình trạng “đẽo cày giữa đường” như kiểu thuế suất thuế GTGT với phân bón, thức ăn chăn nuôi kể trên? Câu trả lời là có rất nhiều lý do, từ rất nhiều phía mà báo chí đã tốn không ít giấy mực. Chẳng hạn như chuyện xây dựng chính sách nằm trong tay chính cơ quan hành pháp nên trong rất nhiều trường hợp, các quy định thường theo hướng làm sao dễ nhất cho người quản lý. Đó là chưa kể người xây dựng chính sách được đánh giá là “ngồi phòng máy lạnh”, xa rời thực tế. Những nguyên tắc về thực hiện báo cáo đánh giá tác động thường bị bỏ qua, ví dụ như chuyện đáng lẽ phải để một cơ quan độc lập đánh giá thì lại do cơ quan xây dựng chính sách tự làm (như dự án một luật sửa năm luật thuế của Bộ Tài chính hiện tại). Bản thân đối tượng chịu tác động của chính sách thì thường không quan tâm đến việc góp ý vì quá bận làm ăn kinh doanh hoặc có nói nhưng không được ghi nhận. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là năng lực của các thành viên trong cơ quan hành pháp...

Rõ ràng, để hạn chế được tình trạng ma trận thuế, có rất nhiều việc phải làm từ rất nhiều bên. Trong đó, sự chủ động lên tiếng của chủ doanh nghiệp, phản biện của chuyên gia, năng lực và sự công tâm của các cơ quan truyền thông, có ý nghĩa không nhỏ. Ma trận thuế không còn thì doanh nghiệp mới chuyên tâm sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng nhiều thuế cho ngân sách. Đây là sự đảm bảo số thu bền vững, chắc chắn hơn rất nhiều lần những đề xuất tăng thuế mà cơ quan quản lý đang làm hiện nay.

Minh Tâm
Theo TBKTSG

Top