• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

‘Nên có luật riêng về hộ kinh doanh’

17/11/2019 10:42 AM

(Chinhphu.vn) – Đưa hộ kinh doanh vào luật là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

Tuần qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Cùng với đó, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới); nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp đối với hình thức: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh) với các nội dung về: Đăng ký doanh nghiệp; Quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Dự thảo Luật bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, gồm các Điều 187a, 187b và 187c, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự…

Nên hay không đưa hộ kinh doanh vào luật

Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Một số ý kiến nhất trí với dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, việc đưa loại hình "hộ kinh doanh" vào luật sẽ giúp quản trị và phát triển các hộ này theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Các đối tượng hộ kinh doanh được đưa vào luật phải là những hộ có quan hệ lao động.

"Nếu chúng ta đưa đối tượng này vào thì hoạt động của các hộ này sẽ được thực hiện thông qua các hình thức đăng ký, từ đó có sự kiểm soát và kinh tế hộ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, đi kèm theo việc chúng ta đưa vào luật như vậy thì phải có các chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Không đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường và một số đại biểu khác về việc bổ sung một chương về hộ kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), tên gọi Luật Doanh nghiệp có nghĩa là điều chỉnh toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động, giải thể liên quan đến doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự án Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật và thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải thêm, ở các nước, kinh tế hộ gia đình quản lý bằng thuế khóa, chứng từ, doanh thu, nhưng ở Việt Nam hiện chỉ quản lý được bằng hình thức thuế, không có hóa đơn chứng từ, doanh thu. Thậm chí, có những hộ gia đình kinh doanh quy mô lớn hơn doanh nghiệp nhưng vẫn không quản lý được. Đại biểu cho rằng, cần thực hiện quản lý các hộ gia đình bằng chính sách thuế, các nghị định, thông tư theo đúng pháp luật.

Muốn trao thêm quyền phải dựa vào quy định luật

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng,  hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ nhưng chỉ có 1,4 triệu hộ nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước vẫn không thu được.

“Hơn nữa, các hộ kinh doanh phải chi phí không chính thức nhiều nhưng địa vị pháp lý lại không cao, nên quan điểm của tôi là có luật riêng về hộ kinh doanh. Vì vậy, cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh, xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, thuận lợi”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết.

Hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về quy định doanh nghiệp nhưng các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này. Mặc dù không phải là loại hình doanh nghiệp nhưng đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hộ kinh doanh đang có đặc điểm là bị hạn chế nhiều, tức chỉ được kinh doanh tại một địa điểm mà không được mở chi nhánh và văn phòng nơi khác, chỉ được sử dụng lao động dưới 10 người đã làm hạn chế nguồn lực.

Trong khi có hộ kinh doanh sử dụng hàng trăm lao động và doanh thu hàng trăm tỷ đồng nên không được bảo vệ, không được quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Do đó, muốn trao thêm quyền phải dựa vào quy định luật, chứ không phải bằng nghị định.

Tuy nhiên, tại sao hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nhưng lại đưa vào Luật Doanh nghiệp vì luật này không làm cản trở và khó khăn việc chuyển sang doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nhưng được khẳng định địa vị pháp lý, bảo hộ và bảo vệ đối tượng này để kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực đầu tư.

Vì vậy, việc thiếu quy định pháp lý như vậy nên cần phải luật hoá. Do vậy, việc trao thêm quyền là phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật, nên việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần cân nhắc và phải có báo cáo đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bởi một doanh nghiệp thì mới chịu quy chế pháp lý như doanh nghiệp, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật liệu có làm đảo lộn toàn bộ pháp lý của doanh nghiệp không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc đưa vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp sẽ có tác động đến 4-5 triệu hộ kinh doanh, cùng với đó là hàng chục triệu lao động và liên quan đến hộ sản xuất nông nghiệp sẽ còn phức tạp hơn, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu quy định trong luật thì sẽ điều chỉnh những gì, phải có chế tài chặt chẽ./.

Thành Đạt

Top