• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Nghị định mới về ôtô: DN lớn nhỏ cùng khó?

30/10/2017 9:49 AM

(Chinhphu.vn) - Không riêng doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhập khẩu không chính thức, các liên doanh lắp ráp, nhà nhập khẩu ô tô chính thức cũng cho rằng quy định tại Nghị định 116/2017 quá khắt khe, không thực tế, dẫn đến cản trở họ trong việc nhập xe về bán.

 
Ảnh minh họa

DN lớn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề?

TBKTSG cho biết ngay cả Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổ chức có nhiều thành viên có chức năng nhập khẩu ô tô mới đây kiến nghị khẩn thiết liên quan đến Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Lãnh đạo của tổ chức này cho rằng hoạt động kinh doanh của các thành viên VAMA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới.

Cụ thể, nghị định yêu cầu phải cung cấp Giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại đối với ô tô chưa qua sử dụng. Theo điểm a, khoản 2, Điều 6, khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Theo VAMA, yêu cầu mới này là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả các thành viên vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia vì các quốc gia này áp dụng chính sách nhà sản xuất tự chứng nhận; hay ở một số quốc gia, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.

Vì vậy, theo VAMA, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp thuận do sự khác biệt vì một số lý do như khác biệt về vị trí người lái (tay lái bên trái/bên phải), khác biệt về tiêu chuẩn khí thải (tiêu chuẩn hiện tại ở các nước châu Âu đã là Euro 6) hay các đặc điểm kỹ thuật khác giữa các xe bán ở các thị trường khác nhau. Có thể xảy ra trường hợp ở thời điểm nghị định có hiệu lực, xe nhập khẩu của nhiều thành viên VAMA nhập từ các quốc gia nêu trên đã được đặt hàng trước đó và vận chuyển đến Việt Nam thì bị ùn tắc ở cảng.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng sản phẩm của thị trường, đa số các thành viên VAMA đều đang nhập một số mẫu xe từ công ty mẹ. Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định 116 trong thời gian quá ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hơn thế nữa, theo VAMA, yêu cầu này không có nhiều ý nghĩa bởi vì Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng phương tiện và linh kiện, tiêu chuẩn khí thải và các yêu cầu an toàn khác.

Các nhà nhập khẩu cũng như VAMA đề xuất Chính phủ chấp thuận cho các nhà nhập khẩu thêm lựa chọn làm thủ tục kiểm tra, thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Ngoài ra, theo điểm a, khoản 2, Điều 6 của nghị định, khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các giấy tờ như tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài theo các doanh nghiệp là không thể đáp ứng.

Tương tự như giải trình ở trên, VAMA đề xuất chấp thuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại nước ngoài.

Cũng theo mục 2, điểm a, khoản 2, Điều 6 của nghị định quy định: ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định…

Như vậy, với quy định này, các xe cùng kiểu loại sẽ buộc phải thử nghiệm lại chỉ vì chúng nằm ở các lô hàng khác nhau. Theo các doanh nghiệp, quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và lãng phí chi phí của xã hội.

Cụ thể, việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 đô la Mỹ cho việc thử khí thải Euro 4 bao gồm: 3.000 km chạy rà, chi phí thử nghiệm khí thải, báo cáo thử nghiệm, cấp chứng nhận.

Ngoài ra, trong thời gian này, các xe khác trong cùng lô xe nhập khẩu sẽ buộc phải lưu kho ở cảng, và nhà nhập khẩu băn khoăn về sức chứa của cảng có đáp ứng được khi thực hiện quy định mới này? Theo VAMA, quy định mới sẽ ngay lập tức làm tất cả các thành viên phải tốn thêm các chi phí không cần thiết cho việc chuẩn bị địa điểm để lưu giữ xe.

Đóng cơ hội với DN nhỏ?

Trong khi đó, quy định phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam được xem là điều kiện dẫn đến "đóng cửa" hoàn toàn cơ hội nhập khẩu ô tô nguyên chiếc với các nhà kinh doanh nhỏ lẻ, không chính thức.

Khoản 2 Điều 15 của Nghị định 116 quy định điều kiện nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam, theo các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không chính thức là điều kiện bất khả thi với họ.

Các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này chẳng khác nào yêu cầu phải có giấy chỉ định là nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất như quy định trong Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương trước đây vốn hạn chế quyền nhập khẩu ô tô đối với nhiều thương nhân trong nhiều năm qua. Tức là chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng mới có thể xin được cam kết này từ nhà sản xuất.

Giải thích về việc này, các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ cho rằng thông thường các hãng xe nước ngoài thường chỉ cấp giấy xác nhận triệu hồi cho một đơn vị được họ chỉ định phân phối chính thức. Do đó, những đơn vị nhập khẩu không chính hãng sẽ không thể có được văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Nghị định này được ký ngày 17/10 và có hiệu lực ngay lập tức chứ không có bất cứ độ trễ nào và hiện doanh nghiệp nhập khẩu chỉ có hơn hai tháng để xoay đủ các loại giấy tờ theo quy định nếu không muốn bị tạm ngưng nhập khẩu sau ngày 1/1/2018. Trong khi đó, các loại giấy phép theo quy định là rất khó có được chỉ trong thời gian ngắn.

Sản xuất, lắp ráp xe cũng khó?

Không chỉ về điều kiện nhập ô tô nguyên chiếc, những quy định về sản xuất lắp ráp ô tô trong Nghị định 116 theo các doanh nghiệp là cũng quá khó để thực hiện. Cụ thể là liên quan đến yêu cầu mới về chiều dài đường thử của xe. Theo điểm a, khoản 1, Điều 7 và mục IV của Phụ lục I, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cần phải có “… đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m…”, với tối thiểu 400m đường thẳng trước ngày 17/4/2019.

Để đáp ứng yêu cầu này, nhà máy sản xuất sẽ phải có diện tích khoảng 25 ha và đây sẽ là bài toán khó cho các nhà máy ở các thành phố.

Nhiều thành viên VAMA đã hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm. Tất cả các thiết bị nhà máy của các liên doanh này được thiết kế và đăng ký với các cơ quan Chính phủ (trước đây là Bộ Kế hoạch Đầu tư, bây giờ là Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương). Và bất kỳ thương hiệu hay công ty nào đều có quy trình kiểm tra chất lượng của riêng mình và chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm dựa trên Luật về chất lượng hàng hóa. Với yêu cầu mới, nhiều thành viên VAMA cho biết sẽ phải đối mặt với khó khăn để tìm thêm đất và đầu tư cho việc xây dựng đường thử mới hay mở rộng đường thử.

Do đó, VAMA đề xuất Chính phủ chấp thuận phương pháp thử thay thế đã được các thành viên VAMA đề xuất, đặc biệt là cho các nhà sản xuất không có đủ đất và không hồi tố yêu cầu mới với các nhà đầu tư đã hoạt động ở Việt Nam trước khi nghị định có hiệu lực.

Theo TBKTSG 

Top