• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Nhập thiết bị y tế: Doanh nghiệp bức xúc với hải quan

03/10/2019 2:14 PM

(Chinhphu.vn) – Cách giải thích và cách làm của một số cơ quan hải quan cửa khẩu đang gây khó khăn, bức xúc lớn cho doanh nghiệp, gây ách tắc và làm chậm thời gian giải phóng hàng, đồng thời tạo áp lực công việc đối với cả Bộ Y tế.

Doanh nghiệp phản ánh, có những mặt hàng không nằm trong danh mục phải xin giấy phép của Bộ Y tế, nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận của Bộ Y tế.

Đây là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo báo cáo này, nhìn chung trong quý III năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Một số Bộ, ngành quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và có cải cách tích cực, như Y tế, Khoa học và Công nghệ.... Tuy vậy, một số cải cách của Bộ, ngành chưa đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp do bất cập trong quá trình thực thi.

“Thậm chí, một số hoạt động quản lý chuyên ngành có xu hướng mở rộng thêm hoặc quản lý chồng chéo gây tốn kém thời gian, chi phí và làm giảm lòng tin của doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và nhắc tới một số ví dụ cụ thể về bất cập trong thực thi các quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (nhất là trong lĩnh vực xây dựng).

Về vướng mắc tại cơ quan hải quan trong thực thi quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm là trang thiết bị y tế thì nhiều sản phẩm nhập khẩu không thuộc diện phải xin xác nhận của Bộ Y tế (căn cứ Thông tư 30/2015/TT-BYT), nhưng một số cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

“Điều này gây khó khăn, bức xúc lớn cho doanh nghiệp, gây ách tắc và làm chậm thời gian giải phóng hàng; đồng thời làm phát sinh thủ tục hành chính, tạo áp lực công việc đối với cả Bộ Y tế”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Đơn cử, mặt hàng được phân loại là trang thiết bị y tế và không nằm trong danh mục phải xin giấy phép của Bộ Y tế, doanh nghiệp chấp nhận đóng thuế VAT 10% hoặc mức thuế theo quy định, nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận của Bộ Y tế.

Có sản phẩm khi mở tờ khai, doanh nghiệp không khai là thiết bị y tế, chấp nhận đóng thuế theo quy định những vẫn bị yêu cầu phải có ý kiến của Bộ Y tế.

Có sản phẩm đã được liệt kê trong Thông tư 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Một số cơ quan hải quan cửa khẩu vẫn yêu cầu phải có xác nhận của Bộ Y tế.

Có doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế loại A, đã thực hiện Công bố tiêu chuẩn áp dụng tại các Sở Y tế nhưng khi làm thủ tục thông quan vẫn bị yêu cầu phải có xác nhận của Bộ Y tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay, Cơ quan hải quan áp dụng Thông tư 26/2015/TT-BTC và mã HS cho nhiều sản phẩm theo biểu thuế của Thông tư 83/2014/TT-BTC là không phù hợp. Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có căn cứ vào Thông tư số 24/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc nhập khẩu trang thiết bị y tế, tuy nhiên Thông tư 24/2011/TT-BYT đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 30/2015/TT-BYT.

Vì vậy, có sản phẩm đã được phân loại là trang thiết bị y tế theo quy định hiện hành, nhưng cơ quan hải quan cửa khẩu vẫn không chấp nhận kết quả và buộc doanh nghiệp phải khai báo mặt hàng sang một mã HS khác theo ý kiến chỉ định của Hải quan (trong khi Thông tư 83 kèm bảng mã HS đã được ban hành từ 2014 và chưa được cập nhật, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế).

Một vấn đề khác, theo quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP, các doanh nghiệp được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện phân loại sẽ có chức năng được làm dịch vụ phân loại trang thiết bị y tế. Nhưng một số cơ quan hải quan cửa khẩu lập luận rằng, các doanh nghiệp đủ điều kiện phân loại chỉ được phân loại cho doanh nghiệp của mình, không được phép làm dịch vụ. Các công ty đi thuê dịch vụ phân loại là không có giá trị. Hoặc kết quả phân loại của cùng một sản phẩm lại không được dùng chung cho các doanh nghiệp khác. Yêu cầu và cách giải thích của cơ quan hải quan tạo áp lực, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý là cùng một vấn đề, sự việc, nhưng các cơ quan hải quan địa phương khác nhau áp dụng khác nhau. Một số cơ quan hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, cho phép doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Nhưng một số cơ quan khác thì yêu cầu bổ sung xác nhận của Bộ Y tế trước khi thông quan. Đặc biệt, yêu cầu này của cơ quan hải quan không được làm thành văn bản mà chỉ là yêu cầu bằng lời nói.

Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản và cuộc họp với Bộ Tài chính để đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị triển khai thống nhất, đúng quy định hiện hành của Chính phủ (Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP) về quản lý trang thiết bị y tế, song tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, còn một số bất cập khác trong nhập khẩu trang thiết bị y tế như khấu trừ và hoàn thuế. Ví dụ, có doanh nghiệp hiện có số dư thuế gần 2,6 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới. Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được hoàn thuế GTGT khi “chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động”.

Quy định này về thuế giá trị gia tăng làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, và vì vậy tạo thêm gánh nặng chi phí cho người bệnh khi doanh nghiệp phải lựa chọn tăng giá bán sản phẩm.

Bộ Xây dựng không thừa nhận chứng chỉ của Bộ LĐTBXH

Một ví dụ khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới là những bất cập trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Theo đó, Nghị định 44/2016/NĐ-CP phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 09 Bộ quản lý chuyên ngành.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, quy định về phân công thẩm quyền cho 09 Bộ quản lý chuyên ngành tại Nghị định này không những không tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mà còn dẫn tới vướng mắc, khó khăn nhiều hơn; không thực hiện theo nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động.

Trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thì nay phải xin giấy phép của 09 Bộ với cùng một nội dung công việc. Điều này gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp, đi ngược lại với các nỗ lực gần đây của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Đáng chú ý trong lĩnh vực xây dựng, hầu hết các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu,… do Bộ Xây dựng ban hành tương tự các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu,… mà trước đây Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã ban hành.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không thừa nhận các chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ kiểm định viên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội huấn luyện, sát hạch, quản lý và cấp trước đây mà yêu cầu các kiểm định viên phải học lại các chương trình huấn luyện nghiệp vụ do Bộ Xây dựng tổ chức và cấp chứng chỉ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh Chính phủ liên tục yêu cầu các bộ, ngành nỗ lực phối hợp để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, tránh chồng chéo thì Nghị định 44/2016/NĐ-CP đang đi ngược lại nỗ lực này.

Hà Chính
Top