- An Giang
- Bình Dương
- Bình Phước
- Bình Thuận
- Bình Định
- Bạc Liêu
- Bắc Giang
- Bắc Kạn
- Bắc Ninh
- Bến Tre
- Cao Bằng
- Cà Mau
- Cần Thơ
- Điện Biên
- Đà Nẵng
- Đà Lạt
- Đắk Lắk
- Đắk Nông
- Đồng Nai
- Đồng Tháp
- Gia Lai
- Hà Nội
- Hồ Chí Minh
- Hà Giang
- Hà Nam
- Hà Tây
- Hà Tĩnh
- Hòa Bình
- Hưng Yên
- Hải Dương
- Hải Phòng
- Hậu Giang
- Khánh Hòa
- Kiên Giang
- Kon Tum
- Lai Châu
- Long An
- Lào Cai
- Lâm Đồng
- Lạng Sơn
- Nam Định
- Nghệ An
- Ninh Bình
- Ninh Thuận
- Phú Thọ
- Phú Yên
- Quảng Bình
- Quảng Nam
- Quảng Ngãi
- Quảng Ninh
- Quảng Trị
- Sóc Trăng
- Sơn La
- Thanh Hóa
- Thái Bình
- Thái Nguyên
- Thừa Thiên Huế
- Tiền Giang
- Trà Vinh
- Tuyên Quang
- Tây Ninh
- Vĩnh Long
- Vĩnh Phúc
- Vũng Tàu
- Yên Bái
Nhiều Bộ hoàn thành cam kết xử lý văn bản nợ đọng
(Chinhphu.vn) – Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có công tác xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính. - Ảnh: VGP |
Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, trong tháng 7, Tổ công tác đã có 02 buổi làm việc với 10 bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết và 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản
Tại thời điểm kiểm tra, các bộ, cơ quan còn nợ đọng 26 văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Ngoài ra, có 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ 01/01/2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 7.383 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 2.569 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 2.228, quá hạn: 341); 4.671 nhiệm vụ trong hạn, 143 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (chiếm 1,9%, tăng 0,8% so với tháng trước). |
Một thực trạng đáng chú ý được nêu ra tại buổi làm việc, đó là việc một nghị định có nhiều thông tư hướng dẫn dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, quy định không cần thiết, tạo ra rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, với việc có quá nhiều thông tư hướng dẫn như hiện nay đã làm tăng thêm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, gây phức tạp hóa cho việc tra cứu và thực thi pháp luật của người dân, làm cản trở sự thông thoáng của hệ thống pháp luật và gia tăng chi phí, thời gian của người dân và xã hội, cần được khắc phục và chấn chỉnh.
Với tinh thần khách quan và cầu thị, ngoài một số nguyên nhân khách quan, các bộ, cơ quan đã nhận việc chậm trình văn bản quy định chi tiết cơ bản thuộc trách nhiệm, thiếu sót của bộ, cơ quan chủ trì. Theo đó, cách thức chỉ đạo, triển khai thực hiện của người đứng đầu tại một số đơn vị của bộ chưa quyết liệt, hiệu quả; thụ động, không tích cực đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý văn bản của các bộ, cơ quan đối với đề nghị của bộ, cơ quan mình để kịp thời bàn bạc, tìm kiếm sự đồng thuận khi có ý kiến, quan điểm giải quyết khác nhau; chưa chủ động tìm kiếm, đề xuất giải pháp xử lý các văn bản có nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương.
Tại buổi làm việc, các bộ, cơ quan đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và cam kết tiến độ trình ban hành văn bản đang nợ đọng. Sau buổi làm việc, nhiều Bộ đã hoàn thành cam kết, như Bộ Tài chính (5 văn bản); Bộ Giáo dục và Đào tạo (3 văn bản); Bộ Nội vụ (6 văn bản)… Các văn bản khác cũng đang được các Bộ tích cực triển khai xây dựng.
Đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính xin thời hạn trình trong tháng 9 năm 2020 do phải xây dựng dự thảo Nghị định thay thế thay vì sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Quản lý thuế.
Đối với Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ hiện đang xin ý kiến thành viên Chính phủ. Bộ sẽ khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện và trình Chính phủ sau 03 ngày nhận được đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ…
Bộ Công Thương cam kết sẽ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (khoản 3 Điều 46), ngay sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị về dự thảo Nghị định…
Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo và các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đối với công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 288/TTg-PL ngày 13 tháng 2 năm 2020; cơ bản xử lý, trình ban hành 26 văn bản nợ, chậm ban hành trước 10 tháng 8 năm 2020...
Tập trung cao độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 01/01/2021, bảo đảm đúng tiến độ được phân công.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện chồng chéo, bất cập, các khó khăn, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ.
Cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, nhất là thông tư, theo hướng một nghị định, các bộ chỉ ban hành 01 thông tư hướng dẫn nhằm khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020.
Đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử
Cũng theo Tổ công tác, về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Kết luận phiên họp Chính phủ ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam. Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. |
Phần lớn các bộ cũng đã triển khai liên thông gửi, nhận văn bản các cấp hành chính. Một số bộ đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ...).
Một số bộ đã tích cực triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp nhiều dịch vụ công thiết yếu, các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an (đối với thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), Bộ Xây dựng,... Tuy nhiên, còn một số dịch vụ công, thủ tục hàh chính chưa hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020.
Các bộ đang xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo, trong đó một số bộ bước đầu triển khai kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện điện tử hóa biểu mẫu cho 25 chỉ tiêu ưu tiên, cung cấp dữ liệu phục vụ lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (dự kiến khai trương vào 15/8/2020).
Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị Quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết 01/NQ-CP.
Tập trung tái cấu trúc quy trình, hoàn thành việc xây dựng, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các dịch vụ công ưu tiên năm 2020 và 30% dịch vụ công trực tuyến đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg; khẩn trương hoàn thành tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các bộ được giao chỉ tiêu thống kê theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc kết nối và cung cấp dữ liệu về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu báo cáo hàng ngày trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để phục vụ lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm ban hành mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình để làm cơ sở cho việc cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử thống nhất trên toàn quốc, hoàn thành trong quý III/2020; hoàn thành việc thành lập Tổ công tác và ban hành danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ…
Hà Chính
các tin mới nhận
Livestream bán hàng: Khai, nộp thuế như thế nào?
Chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp áp dụng từ 1/10/2024
Đề xuất 11 hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
Đề xuất thay đổi cách xác định tuổi của tàu biển
Ngân hàng thương mại phải xây dựng lộ trình tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần
Tin đọc nhiều