• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn làm khó doanh nghiệp

28/06/2020 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn còn rất nhiều điều kiện gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại các hội thảo “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp – Vướng mắc và kiến nghị” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội và TPHCM.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế VCCI nhận định, nhiều điều kiện kinh doanh đang can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối (rượu, xăng dầu); yêu cầu phương án kinh doanh (bưu chính, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng); yêu cầu trình độ của người quản lý doanh nghiệp... Chưa kể có những điều kiện kinh doanh do hai cơ quan cùng đánh giá, làm căn cứ cấp giấy phép cho một hoạt động như kinh doanh khí, dịch vụ an ninh... hoặc sử dụng các khái niệm khó xác định như “có đủ”, “phù hợp”...

Ngoài ra, nhiều vấn đề về đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định chồng chéo bởi các luật khác nhau. Luật Đầu tư 2014 có điều khoản về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong khi Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; cả hai Luật đều điều chỉnh điều kiện của chủ thể kinh doanh.

“Đặc biệt, nhiều thủ tục gia nhập thị trường với doanh nghiệp còn rắc rối, chồng chéo, trói chân doanh nghiệp” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Dẫn chứng từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, Công ty Luật LNT nêu, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu bán lẻ nước ngoài muốn đầu tư, gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên quá trình xin giấy phép khá phức tạp.

Cụ thể, theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép đầu tư của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi có giấy phép đầu tư, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép mua bán từ Bộ Công Thương. Chưa hết, muốn được cấp phép doanh nghiệp phải chứng minh có sự đóng góp cho kinh tế - xã hội, đây là khái niệm rất mơ hồ và khó chứng minh.

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, ba vấn đề chính mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trước khi quyết định đầu tư là thủ tục cấp phép nhanh hay chậm, mất bao nhiêu thời gian, chi phí cho việc cấp phép, đáp ứng các điều kiện là bao nhiêu và sự minh bạch của chính sách. Do đó, muốn cải thiện khả năng thu hút đầu tư, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tập trung vào rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí và minh bạch các điều kiện theo hướng định lượng, hạn chế chứng minh các điều kiện mang tính định tính.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM chia sẻ, không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ đã rất quyết liệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua để doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý ẩn dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ chưa được cắt bỏ.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng xác định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối và vàng miếng với các yêu cầu rất chi tiết, cụ thể. Muốn xin giấy phép kinh doanh vàng, doanh nghiệp phải có chứng nhận môi trường, an ninh, phòng cháy chữa cháy, đáp ứng diện tích theo quy định.

Hay vô lý hơn là muốn đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nào thì người đứng tên phải có hộ khẩu thường trú tại đó từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, Nghị định này lại gom cả hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức, đồ mỹ nghệ, trong khi các sản phẩm này không có khả năng tác động, điều tiết thị trường vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế và ngoại hối, ông Nguyễn Văn Dưng nêu vấn đề.

Doanh nghiệp đang kỳ vọng

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Ban Pháp chế (VCCI), qua rà soát cho thấy vẫn còn 243 ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó nhiều ý kiến cho rằng có thể bỏ thêm khoảng 20 ngành nghề nữa. “Căn cứ để bãi bỏ là nếu điều kiện kinh doanh đã ban hành không có tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng; là những ngành nghề có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh” - bà Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp mong muốn việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn.

Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc không tập trung vào xử lý, giải quyết những điểm yếu kém, vướng mắc là nguyên nhân hàng đầu khiến làn sóng cải cách không được hiệu quả như mong muốn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt. Đây cũng là áp lực của cơ quan quản lý, nhất là vấn đề liên quan tới quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường...

Lãnh đạo VCCI dẫn báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30%-40% điều kiện kinh doanh.

“Vì vậy, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào làn sóng cải cách thứ ba của Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ này với nhiệm vụ loại các quy định pháp luật chồng chéo, sau khi đã thực hiện làn sóng cải cách không đẻ thêm điều kiện kinh doanh và cắt giảm điều kiện kinh doanh vào các năm 2016 và 2018” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thực tế, tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành; đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh hiện hành và kiểm soát các điều kiện kinh doanh trong tương lai.

Thành Đạt

Top