• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Tiến trình cải cách đang đi đúng hướng

01/11/2015 8:25 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, đánh giá tiến trình cải cách thể chế vẫn đang chuyển động đúng hướng nhưng lưu ý về khó khăn trong ngân sách thời gian tới.

Ông Hà Sỹ Đồng. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ vừa có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng về một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng thể chế kinh tế và đảm bảo an toàn ngân sách quốc gia.

Thưa ông, trong Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Thủ tướng  Chính phủ đánh giá thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Theo ông, đâu là kết quả quan trọng nhất trong cải cách thể chế kinh tế thời gian qua?

Ông Hà Sỹ Đồng: Đó chính là khâu rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thể chế kinh tế thị trường trong không gian đã được hiến định tại Hiến pháp 2013.

Một khối lượng khá đồ sộ các luật về kinh tế đã được thông qua nhằm luật hóa những tư duy, quan điểm mới về thể chế kinh tế thị trường hiện đại, trong đó phải kể đến Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi),  Luật Quản lý và Sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cùng với các luật này là một khối lượng lớn nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật do Chính phủ ban hành để đảm bảo việc thực thi.

Trên nền tảng pháp lý mới, tiến trình cải cách thể chế và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang từng bước được triển khai.

Khu vực kinh tế nhà nước đang dần được cơ cấu lại để  về đúng vị trí của mình nhằm phát huy vai trò chủ đạo đã được hiến định. Khu vực doanh nghiệp FDI đang có những phát triển đột phá, đóng góp quan trọng vào thành quả tăng trưởng kinh tế chung những năm qua. Còn khu vực kinh tế tư nhân đã có động lực phát triển mới, tiếp tục được cổ súy, được tháo gỡ khó khăn, được tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để dần trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế.

Dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá hơn, khả thi hơn với quyết tâm chính trị lớn hơn nhưng nhìn chung, tiến trình cải cách vẫn đang chuyển động đúng hướng.

Trong những bài phát biểu tại các kỳ họp trước của Quốc hội, ông đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về cải cách thể chế kinh tế. Vậy cho đến thời điểm này, theo ông, đâu là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Ông Hà Sỹ Đồng: Nỗ lực và thành quả trong khâu lập pháp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các khâu thực thi và giám sát thực thi pháp luật, nói cách khác là năng lực triển khai, thì có một số vấn đề cần lưu ý.

Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quy mô, về năng lực cạnh tranh, chưa thực sự được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, rõ ràng cũng là “điểm nghẽn”.

Nước ta đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng với các đối tác lớn trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do. Cơ hội lớn đang và sắp mở ra. Song cũng cần phải lường đến nguy cơ áp lực hội nhập không chuyển hóa thành động lực thúc đẩy cải cách trong nước, cơ hội không xuất hiện mà thay vào đó là những thách thức hiện hữu gây chèn ép, o bế kinh tế nội địa nếu như tâm thế và nội lực chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cho một “cuộc chơi mới”.

Do đó, nền hành chính phải được củng cố vững chắc trong quan điểm hành động, dưới sự chỉ đạo nhanh nhạy của Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ.

Một trong những vấn đề rất “nóng” tại kỳ họp này là áp lực của ngân sách đang được cho là rất căng thẳng. Từ góc nhìn của một thành viên Ủy ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội, vấn đề “căng” nhất của ngân sách hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Như các báo cáo liên quan của Chính phủ và của các ủy ban chuyên trách của Quốc hội đã chỉ ra, thâm hụt ngân sách và áp lực nợ công ngày càng nặng nề hơn dù chúng ta đã rất nỗ lực thu, tiết giảm chi, thu gọn phạm vi đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài chính.

Tình trạng căng thẳng hiện nay nằm ở chỗ nguồn thu suy yếu và kém bền vững khi thu nội địa thực chất nhờ sản xuất kinh doanh mở rộng và có hiệu quả nhưng không bù đắp nổi mức sụt giảm từ thu cân đối xuất nhập khẩu, thu bán dầu thô và các khoản liên quan tới dầu; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI thì không tương xứng với quy mô đầu tư, một phần do vấn đề chuyển giá, trốn thuế. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển khó cắt giảm về số tương đối do đòi hỏi tăng trưởng kinh tế, còn chi thường xuyên thì ngày một gia tăng cùng với yêu cầu cao hơn về dự phòng bất thường…

Nhưng vấn đề “căng” nhất của ngân sách hiện là sức ép đảo nợ đến hạn rất lớn trong khi nguồn huy động để cân đối ngân sách đang khó khăn.

Ông vừa nhắc đến sức ép phải cơ cấu lại nợ vay của Chính phủ. Cá nhân ông có bình luận gì về 2 đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề này là đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế?

Ông Hà Sỹ Đồng: Như tôi vừa nói, sức ép đảo nợ vay của Chính phủ đến hạn rất lớn trong khi nguồn huy động để cân đối ngân sách đang rất bí bách. Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra liên quan đến 2 đề xuất nói trên.

Theo tôi, khả năng tài trợ thâm hụt và để cơ cấu lại nợ từ nguồn lực trong nước có lẽ đã tới hạn khi mà quy mô vay nợ mới của Chính phủ ngày một lớn với mức độ rủi ro gia tăng, trong khi đối tượng hấp thụ trái phiếu phát hành chủ yếu vẫn chỉ là các ngân hàng thương mại. Đề xuất về phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ vay trong nước cũng chưa thật khả thi xét dưới góc độ quy định luật pháp hiện hành, mức độ tín nhiệm của ta trên thị trường tài chính quốc tế và xu hướng đồng USD đang đắt lên.

Một giải pháp khác có lẽ khả thi nhất hiện nay là nên bán bớt tài sản nhà nước, thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước để có nguồn tiền trang trải một phần nợ tới hạn.

Quyết định của Chính phủ về việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam là một ví dụ minh chứng.

Trước ngưỡng cửa Hiệp định TPP, dường như nỗi lo về trạng thâm hụt thương mại đi cùng thâm hụt ngân sách lại đang tăng dần, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Do vấn đề cơ cấu sản xuất cần có đủ thời gian để thay đổi, khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang và sắp có hiệu lực, đặc biệt tới đây rất có thể là cả TPP, một hiệp định đẳng cấp, kiểu thế hệ mới, thâm hụt thương mại của ta được dự báo sẽ gia tăng nhanh.

Bên cạnh đó là nguy cơ nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhiều lĩnh vực sản xuất thông thường hay truyền thống, thậm chí cả phân khúc bán lẻ của ta cũng có thể bị lấn lướt ngay chính trên nội địa.

Dòng vốn FDI sẽ tràn vào nhưng một phần quan trọng trong đó lại không phải là “tiền tươi” mà là hàng hóa ngoại - đầu vào cho quá trình thực hiện dự án đầu tư (thực chất là làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của ta, đặc biệt là từ những mặt hàng chủ lực, mũi nhọn và từ khu vực doanh nghiệp nội địa không dễ tăng nhanh (trừ một số mặt hàng gia công như may mặc, giày dép).

Cán cân thương mại khả năng cao sẽ xấu đi là một vấn đề lớn. Nhưng lớn hơn là sự bất hợp lý, kém bền vững ở cả mặt hàng, doanh nghiệp và thị trường xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, việc khu vực doanh nghiệp FDI “chèn lấn” khu vực doanh nghiệp trong nước hay như ta vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc, bên cạnh đó, tình trạng xuất nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chưa được quản lý chặt chẽ và nạn buôn lậu qua biên giới tiếp tục là một vấn đề nan giải.

Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết việc phải đổi mới một cách căn cơ và nâng cao một cách thực sự năng lực quản lý, điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành. Trong đó, những bài học được rút ra từ giai đoạn 2007-2011 và từ những giai đoạn trước nữa, sẽ rất có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, mang tính trung và dài hạn hơn là cần tiếp tục kiên định và quyết liệt thực hiện cải cách thể chế, ưu tiên là cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo đột phá chiến lược để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Thành Chung (thực hiện)

Top