• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Tính toán các kịch bản điều hành kinh tế - xã hội

07/04/2020 11:29 AM

(Chinhphu.vn) – Đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế xã hội, tính toán các phương án, kịch bản tăng trưởng và triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ đang đặt ra với các địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội và nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội trong bối cảnh tác động của dịch dịch COVID-19.

Theo Công điện, để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, các địa phương đánh giá về tăng trưởng kinh tế (các chỉ tiêu như: GRDP, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, khách du lịch…); đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giải thể, tạm dừng hoạt động, tình hình huy động vốn, trả lương cho người lao động, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…); đời sống người dân (tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm, giá cả một số mặt hàng thiết yếu,…); công nhân và người lao động (số lượng người lao động mất việc, tạm ngừng việc, giảm lương, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp,…); các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng (số lượng đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng cần hỗ trợ,…).

Bên cạnh đó, các địa phương cần đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; trong đó trọng tâm là chỉ đạo quyết liệt việc triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo hoàn thành nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng của các thành phần kinh tế; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội; tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công; đồng thời, nghiên cứu xây dựng hoặc đề xuất cơ chế tổng hợp và chia sẻ thông tin về các đối tượng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hà Nội xác định 3 kịch bản điều hành

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I của thành phố ước tăng 3,72%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (quý I/2017 tăng 6,48%; quý I/2018 tăng  6,98%; quý I/2019 tăng 6,95%).

Mức tăng này thấp hơn của cả nước là 3,82%. Kết quả trên có phần lớn nguyên nhân do dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của thành phố.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2%, tổng dư nợ tăng 1,8%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước đạt 7,14 nghìn tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn).

Cũng trong quý I, Hà Nội có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đã đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7%.

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, kịch bản 1 là dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ. Từ đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh.

Đà Nẵng trực tiếp giải quyết vướng mắc cùng doanh nghiệp

Tại Đà Nẵng, nhằm tìm hiểu, kịp thời động viên, hướng đến giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, trong thời gian gần đây, lãnh đạo UBND thành phố đã liên tục đến trực tiếp các doanh nghiệp để cùng gỡ khó trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sau khi trực tiếp đi thăm, kiểm tra việc phòng chống dịch COVID-19 tại một số đơn vị sản xuất như: Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng; Công Ty TNHH Daiwa Việt Nam; công trình dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort… lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã nhận được những chia sẻ, kiến nghị từ các doanh nghiệp sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, vấn đề tập trung đông người tại các nhà máy, xí nghiệp được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, theo dõi nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về an toàn y tế. UBND thành phố đề nghị các công ty tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.  

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại các nước và Việt Nam, chủ trương chung của Đà Nẵng là thực hiện cách ly tập trung người từ vùng dịch đến Đà Nẵng, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và cho chính người được cách ly. Việc cách ly sẽ được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố có phương án xử lý linh hoạt đối với những trường hợp đặc biệt, trên nguyên tắc đảm bảo các điều kiện an toàn y tế, các quy định về phòng, chống dịch bệnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Công nghiệp và xuất khẩu của Sóc Trăng vẫn tăng khá

Theo Sở Công thương Sóc Trăng, trong 3 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước thực hiện 6.600 tỷ đồng, đạt 16,5% kế hoạch, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2019, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 170%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%; sản xuất, phân phối điện tăng 1,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý chất thải tăng 5,3%...

Trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu, Sóc Trăng vẫn đạt được kết quả khá cao. Kim ngạch xuất khẩu trong 03 tháng đầu năm ước thực hiện được 190 triệu USD, đạt 21,12% kế hoạch và tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó mặt hàng hàng thủy sản xuất khẩu tăng 2,53%, gạo tăng 62,14%.

Qua nắm tình hình các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn hoạt động sản xuất, xuất khẩu như các năm trước. Đối với mặt hàng gạo, trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất khẩu gạo sang thị trường Philipines (chiếm 98,7%) và Hongkong (Trung Quốc) chiếm 1,3%.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan, rà soát,  báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất; Dự báo nhu cầu của thị trường trong tỉnh, qua đó vận động doanh nghiệp sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần nắm bắt tình hình các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực để hỗ trợ khi cần thiết; tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất khẩu, khai thác cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Tranh thủ hỗ trợ để các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với doanh nghiệp may mặc, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và doanh nghiệp bị mất thị trường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Theo báo cáo của ngành công thương, hầu hết các doanh nghiệp chủ lực, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định. Các doanh nghiệp, ngay khi có thông tin về đại dịch COVID-19, đã chủ động thực hiện quy trình khử trùng khi người lao động vào nhà máy (bắt buộc đo thân nhiệt, rửa tay khi vào cổng, đeo khẩu trang…) nhằm đảm bảo vận hành an toàn hoạt động sản xuất.

Thanh Hằng

Top