• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Vẫn tranh cãi về vụ kiện 41 tỷ Vinasun-Grab

21/11/2018 8:33 AM

Chinhphu.vn) - Trước phiên xét xử vụ kiện Vinasun-Grab ngày 22/11, vẫn có những ý kiến khác nhau về quyền khởi kiện của Vinasun và về thẩm quyền xử lý của các cơ quan trong vụ việc.

Đây là lần thứ 4 vụ kiện của Vinasun và Grab  được đưa ra xét xử sau 3 lần hoãn phiên toà để thu thập, bổ sung, xem xét chứng cứ để làm rõ các nội dung của vụ án.
Ảnh: Zing.vn.

Các ý kiến được đưa ra tại buổi Toạ đàm “Kinh tế chia sẻ: Mô hình gọi xe công nghệ và những thách thức cần tháo gỡ” diễn ra chiều 19/11 khi nói về vụ kiện dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) hồi tháng 10 vừa qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, việc Vinasun kiện Grab là chuyện bình thường trong mọi nền kinh tế.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Như Phát lưu ý rằng, đối với vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như vụ này cần đáp ứng 4 điều kiện. Gồm: “Thứ nhất, là phải có vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp này vì đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên vi phạm nghĩa vụ được hiểu là vi phạm quyền và lợi ích của một người nào đó được pháp luật bảo vệ mà không có hợp đồng.

Thứ hai, phải có thiệt hại thực tế. Người có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại là bên đi đòi, trong trường hợp này Vinasun phải chứng minh thiệt hại.

Thứ ba, là quan hệ nhân quả, được hiểu là hậu quả bắt buộc, duy nhất và khách quan, hậu quả này chỉ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một điều rất quan trọng cần được lưu ý trong quá trình xét xử.

Thứ tư, là lỗi do yếu tố chủ quan. Tuy nhiên, trong pháp luật hiện đại, đặc biệt là trong thương mại người ta không quan tâm tới yếu tố đó. Trong vụ việc này gọi là “lỗi suy đoán”, nghĩa là bên nào phát sinh vi phạm nghĩa vụ tức là bên đấy có lỗi, trừ trường hợp anh chứng minh được rằng anh không có lỗi”, ông Nguyễn Như Phát phân tích.

Từ những điều kiện trên, PGS.TS Nguyễn Như Phát cho rằng, TAND TPHCM cần phải làm rõ “Grab đang vi phạm điều gì liên quan đến quyền lợi hợp pháp của Vinasun đang được pháp luật bảo vệ”.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Như Phát, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Luật kinh tế, Viện Nhà nước và pháp luật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Trong xã hội hiện đại, việc kiện nhau, thưa nhau ra toà là hành động văn minh và chúng ta nên khuyến khích”.

“Có một vấn đề mà dư luận rất quan tâm là có rất nhiều doanh nghiệp cũng có khả năng gây thiệt hại cho Vinasun như Mai Linh, Group hay các hãng taxi khác nhưng tại sao Vinasun chỉ kiện Grab thì tôi khẳng định Vinasun có quyền kiện như vậy.

Tức là, trong 10 ông gây thiệt hại cho tôi nhưng tôi có quyền kiện 1 trong 10 ông, 9 ông khác tôi tha. Đó là quyền định đoạt của tôi. Điều này không phải là Vinasun sai mà họ chỉ thích kiện Grab thì đấy là quyền của họ”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương nhìn nhận.

Nếu kiện về cạnh tranh, phải có định đoạt về vi phạm cạnh tranh?

Theo ông Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội, gốc rễ của vụ kiện này đó là phải tìm ra ai gây thiệt hại cho ai và mối quan hệ nhân quả của vụ việc là như thế nào.

“Nếu như xác định các mối quan hệ pháp luật thì việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong khi trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau mà bắt duy nhất Grab chịu trách nhiệm là rất khó. Do vậy, ta chỉ cần bám sát vào việc chứng minh quan hệ nhân quả, hậu quả của việc đòi bồi thường 41 tỷ kia có phải là do các doanh nghiệp khác gây ra hay không”, ông Chiến phân tích.

Nói thêm về con số bồi thường 41 tỷ đồng, PGS.TS Nguyễn Như Phát cho rằng: “Việc Vinasun kinh doanh tự nhiên giảm doanh thu rồi đi đổ cho người khác là không chấp nhận được. Giảm hoàn toàn có thể do thị trường nhiều doanh nghiệp tham gia khiến thị phần bị chia sẻ hoặc anh chứng minh được do Grab 'chơi xấu', cạnh tranh không lành mạnh". 

Đối với lý do Vinasun đưa ra về việc Grab giảm giá khuyến mại nhiều, ông Phát khẳng định: Hành vi cạnh tranh bằng giảm giá, khuyến mại là hành vi được nêu ra trong Luật Cạnh tranh.

“Luật Cạnh tranh là luật riêng còn Luật dân sự là luật chung. Theo nguyên tắc, phải áp dụng Luật Cạnh tranh trước. Cơ quan thi hành Luật Cạnh tranh hiện nay là Hội đồng cạnh tranh Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Quy trình của việc xử lý một hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh phải bắt đầu từ việc cơ quan Nhà nước kết luận rằng hành vi này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Sau khi đối chiếu theo Luật Cạnh tranh thì phần dân sự, tức là phần bồi thường thiệt hại, Luật Cạnh tranh nhường cho toà dân sự”, PGS.TS Nguyễn Như Phát cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương lý giải thêm: Những hành vi liên quan đến khuyến mại, giảm giá có hợp pháp hay không thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý cạnh tranh.

“Một vụ khiếu kiện như vụ việc của Vinasun và Grab chỉ được đưa ra Toà khi có quyết định về xử lý cạnh tranh không lành mạnh của cơ quan quản lý cạnh tranh. Sau đó mới đặt ra vấn đề bồi thường (dân sự). Điều này cũng được quy định rõ ràng trong Luật Cạnh tranh”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương nói.

Đây cũng là quan điểm của Grab. Trước đó, tại phiên tòa, đại diện Grab cho rằng: Grab chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng. Những chương trình khuyến mại, cạnh tranh thuộc về Bộ Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương…không thuộc quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, Grab đề nghị HĐXX đình chỉ vụ việc.

Thế nhưng ở phía ngược lại, Luật sư Nguyễn Hải Vân, đại diện cho Vinasun không đồng tình với lập luận của Grab. Theo luật sư, về bản chất của vụ việc này là Vinasun kiện Grab ra tòa với lý do “đền bù thiệt hại ngoài hợp đồng”, chứ Vinasun không kiện Grab về luật cạnh tranh.

Luật sư Vân cũng không đồng tình với việc Grab khẳng định thẩm quyền giải quyết vụ việc không thuộc về tòa án và đề nghị Grab cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, thượng tôn pháp luật, chấp hành theo quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải.

Trước đó, theo kế hoạch TAND TPHCM sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện dân sự trên vào ngày 29/10. Tuy nhiên đến 14h20, Hội đồng xét xử đã quyết định quay lại phần xét hỏi xoay quanh phần bồi thường thiệt hại để làm rõ một số vấn đề. HĐXX quyết định tạm ngưng phiên tòa đến ngày 22/11.

Đây là lần thứ 4 vụ án này được đưa ra xét xử sau 3 lần hoãn phiên toà để thu thập, bổ sung, xem xét chứng cứ để làm rõ các nội dung của vụ án.

Phan Trang

Top