• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Vừa thích thị trường, vừa muốn nhà nước... can thiệp giá

23/07/2015 2:34 PM

(Chinhphu.vn) – Kết quả khảo sát cho thấy một thực tế khá nghịch lý, khi người Việt Nam vừa ủng hộ kinh tế thị trường, vừa muốn bàn tay can thiệp của nhà nước đối với giá của những mặt hàng thiết yếu.

Báo cáo "Việt Nam chuyển đổi - thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014"
Một cánh bướm đã vươn cao nhưng phần thân dưới dưới vẫn chưa thoát ra hẳn cái kén cũ là hình ảnh được lặp đi lặp lại trước mắt các đại biểu tham dự hội thảo ngày 23/7 về cảm nhận của người Việt Nam đối với nhà nước và thị trường, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tình trạng “lưỡng thể”

Kết quả khảo sát 1.600 người đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với mô hình kinh tế thị trường, khi 89% cho rằng mô hình này ưu việt hơn mô hình kinh tế nhà nước.

Tương tự, 71% người trả lời cho biết sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp là ưu việt hơn, trong khi chỉ có khoảng 4% lựa chọn sở hữu nhà nước, còn 25% cho rằng không quan trọng hình thức sở hữu gì.

Tuy nhiên, chưa có sự khác biệt đáng kể và rõ ràng trong đánh giá của người dân về tính chất của nền kinh tế. Cứ 5 người cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là kinh tế thị trường, thì cũng có gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là kinh tế nhà nước. Như vậy, hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi.

Khái niệm “kinh tế nhà nước” theo khảo sát được hiểu là một nền kinh tế mà trong đó, nhà nước thông qua các kế hoạch từ trung ương để phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động khác nhau, vốn đầu tư từ nhà nước chiếm ưu thế và giá cả bị chi phối hoặc chịu tác động mạnh mẽ từ phía nhà nước.

Về tốc độ cải cách, chỉ có 29% cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi 36% cho rằng còn chậm. “Con sâu hóa bướm để cất cánh nhưng việc thoát ra khỏi cái kén có phần chậm và cảm nhận chung của mọi người là muốn nhanh hơn. Quá trình “hóa bướm” đó rõ ràng là rất quyến rũ, nhưng cũng đầy gian nan”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc vì von và cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, đã có những động thái cải cách thể chế kinh tế rất quyết liệt từ phía Quốc hội và Chính phủ. Nhưng tốc độ cải cách vẫn chưa thật sự nhanh, trước hết là do những quan điểm, nhận thức khác nhau về cải cách thể chế. Khi nhận thức đã đầy đủ rồi thì lại có độ trễ của thực thi chính sách, nhất là việc thực thi ở cấp địa phương, ở những người thừa hành.

"Vừa thích thị trường, vừa muốn nhà nước ôm ấp"

Thế nhưng kết quả khảo sát cũng chỉ ra sự “lưỡng lự”  của chính người dân đối với kinh tế thị trường.

Nếu như tuyệt đại đa số (99%) ủng hộ nhà nước chuyển giao một số dịch vụ công sang cho khu vực tư nhân thực hiện, thì đa số những người ủng hộ mô hình kinh tế thị trường lại vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước đối với giá cả những mặt hàng thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 lên tới 75%, tăng 7% so với năm 2011.

Chưa hết. Dù muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước, song có tới một nửa số người trả lời lại đánh giá chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu là không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít. Riêng đối với 8 mặt hàng thiết yếu nhất (thuốc chữa bệnh, điện, xăng dầu, nước sach, gas…), thì 64% số người trả lời đồng ý rằng sau khi nhà nước can thiệp, hàng hóa đã có giá cả ở mức độ chấp nhận được.

Và dù ủng hộ xã hội hóa dịch vụ công, thì tỷ lệ “ủng hộ song còn quan ngại” vẫn còn cao hơn tỷ lệ “hoàn toàn ủng hộ” chủ trương này (57% so với 42%).

“Vừa thích kinh tế thị trường, vừa muốn nhà nước ôm ấp, bảo vệ. Tại sao? Vì chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, xã hội vẫn còn sâu nặng với bao cấp, với việc được nhà nước lo toan. Hơn nữa, giai đoạn bất ổn kinh tế vừa qua cũng khiến người dân thấy không an toàn”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lý giải.

Một lý do khác, theo nhóm nghiên cứu, là hệ thống kinh tế thị trường không đầy đủ khiến các mặt tốt của thị trường, như cạnh tranh, hiệu quả của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng, chậm được phát huy; trong khi những khiếm khuyết của thị trường, như bảo đảm tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hay biến động giá cả bất lợi cho người tiêu dùng, lại chậm được kiểm soát và khắc phục. Điều này khiến người dân quay sang trông chờ ở nhà nước.

Quan trọng là can thiệp bằng cách nào

Nhưng dường như vấn đề chính không phải ở chỗ nhà nước có nên can thiệp hay không, mà là can thiệp theo cách nào.

Cả Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Nguyễn Đức Độ và ông Đinh Tuấn Minh (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ) đều không đồng tình với cách nhà nước định giá hay bình ổn giá từng mặt hàng cụ thể.

Thay vào đó, theo TS Nguyễn Đức Độ, nhà nước nên can thiệp bằng cách thiết lập một cơ chế thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Còn theo ông Đinh Tuấn Minh, nhà nước cần ổn định giá cả chung của các mặt hàng theo từng thời kỳ, tức lạm phát, thay vì chỉ ổn định giá một mặt hàng cụ thể nào đó.

Một cuộc tranh luận nhỏ nhưng thẳng thắn đã nổ ra, khi một chuyên gia kinh tế cho rằng cần xem lại cách nhìn nhận rằng kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”, với lý do nước nào cũng như vậy cả.

Không đồng tình với quan điểm này, TS Trần Đình Thiên nói rằng đương nhiên không thể phủ nhận vai trò của nhà nước. Một nền kinh tế sẽ vẫn là kinh tế thị trường đầy đủ, nếu nhà nước làm đúng chức phận của mình. Vấn đề chỉ xảy ra khi nhà nước “tranh quyền đoạt vị” phần việc của thị trường, khiến thị trường méo mó đi.

“Để thị trường vận hành tốt hơn thì phải thay đổi nhận thức, phải cải cách về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của nhà nước, về cơ cấu tổ chức của nhà nước. Cần xem những vấn nạn như buôn lậu hay nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là những thất bại của nhà nước, chứ không phải là mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Đấy là một phần nhiệm vụ của nhà nước”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói.

Điều đáng mừng, theo ông Vũ Tiến Lộc, kết quả khảo sát cho thấy những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện là phù hợp với nhu cầu của đông đảo của người dân và doanh nghiệp và quá trình đổi mới, chuyển đổi đang được tăng tốc.

Dù quá trình chuyển đổi cần phải đẩy nhanh hơn, vẫn có 41% đồng ý rằng tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam tốt hơn 5 năm trước, trong khi chỉ có 23% không đồng tình. Và phần lớn người tham gia điều tra (63%) vẫn tin tưởng rằng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hà Chính

Top