• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Mọi kiến nghị, phản ánh về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia xin gửi về hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Xếp hàng đúng tải, không cần đến trạm cân

02/08/2014 2:10 PM

(Chinhphu.vn) – Để giải quyết tình hình ùn tắc tại Cảng Cát Lái cũng như thực hiện chủ trương kiểm soát tải trọng xe tận gốc, Tổng công ty Tân Cảng đã cam kết xếp hàng đúng tải tiến tới bỏ trạm cân, giảm ách tắc cho xe vào Cảng.

 

Ông Khuất Việt Hùng - Ảnh: VGP/Công Việt

Về tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái (TPHCM) gây ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng xuất nhập khẩu cho TPHCM, cũng như khu vực miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia (Bộ GTVT) về nguyên nhân và giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này tiếp diễn.

Thưa ông, nguyên nhân chính của tình trạng ùn tắc tại Cảng Cát Lái là gì?

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc thực hiện chế độ soi chiếu hải quan. Trước đây soi chiếu xác suất, lô hàng nào có nghi ngờ hoặc hàng hóa của doanh nghiệp (DN) nào mới tham gia xuất nhập khẩu mới soi chiếu, còn lại chủ yếu hàng hóa đi “luồng xanh” (hàng miễn kiểm định). Từ đầu tháng 7 năm nay, khi Hải quan tại các Cảng sử dụng hệ thống thông quan điện tử áp dụng soi chiếu 100% hàng hóa nên tốc độ xử lý chậm hơn. Nếu như trước đây chỉ cần trên 1.000 container lưu giữ để kiểm tra thì bây giờ cần đến 3.000 container. Hàng hóa có khi mất 2-3 ngày mới được  soi chiếu.

Bên cạnh đó, mặc dù áp dụng hải quan điện tử là rất tốt, nhưng để thực hiện hoạt động xuất-nhập khẩu còn liên quan tới các bộ, ngành khác. Ví dụ, thực phẩm liên quan tới Bộ Y tế, Bộ NNPTNT để chứng nhận là hàng đã được kiểm dịch cùng nhiều yếu tố khác. Chỉ riêng hải quan điện tử là chưa đủ, tất cả các loại hàng hóa vẫn phải thực hiện bằng hồ sơ giấy, khi phương tiện đến làm thủ tục xuất hàng, lái xe vẫn phải đăng ký để nhân viên Hải quan kiểm tra hồ sơ giấy, gây ùn tắc tại cổng cảng.

Đồng thời, tuyến đường vành đai 2 và đường kết nối ra cảng Cát Lái đang thi công, lòng đường thu hẹp 50% cả chiều vào và chiều ra, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa tại cảng. Tổ chức giao thông chưa phù hợp. Ví dụ, ở những đoạn đường hẹp, chỉ còn khoảng 5,5m để xe lưu thông, thì lại tách ra 1 làn cho xe 2 bánh, 1 làn 4 bánh, phân cách bằng dải cứng (bê tông). Ưu điểm của việc này là an toàn giao thông, nhưng lượng xe 2 bánh vào Cảng rất ít nên việc phân cách giao thông làm giảm năng lực thông hành, khi có va chạm nhẹ sẽ ảnh hưởng cả dòng xe. Việc đặt trạm cân kiểm soát trọng tải xe gần đường kết nối đang thi công khiến các xe buộc phải đi chậm lại cũng là nguyên nhân gây ùn tắc.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan tại Cảng thì nguyên nhân khách quan là trong thời gian xảy ra vụ việc Biển Đông, chủ hàng lớn ra vào cảng Cát Lái không thực hiện thông quan, hàng bị ùn tắc. Sự kiện ngày 13/5 tại Bình Dương, Đồng Nai, nhà máy đóng cửa không hoạt động cũng gây ùn ứ hàng. Đồng thời, một số hoạt động trên biển của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, việc tập trận của một số quốc gia trên biển Hoa Đông và Biển Đông vừa qua cũng dẫn đến thay đổi lịch trình tàu; khi tàu giải phóng từ các cảng khác ùn đến gây tắc nghẽn.

Mặc dù đến nay tình trạng ùn tắc tại Cảng Cát Lái đã cơ bản được giải quyết, nhưng Bộ GTVT có những chủ trương và giải pháp lâu dài gì để hạn chế tình trạng này tái diễn không, thưa ông?

Từ ngày 12/7, sau khi Hải quan quay trở lại không soi chiếu 100% hàng hóa thì tốc độ lưu thông hàng hóa trở lại bình thường. Ngay ngày 31/7 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, chúng tôi cho gỡ giải phân cách trên đường kết nối ra Cảng cũng giúp xe lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, chủ trương kiểm soát tải trọng xe tận gốc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo Tân Cảng trong buổi làm việc ngày 31/7 cũng cam kết thực hiện cân xe đúng mã, kiểm tra theo giấy đăng kiểm, xe nào được chở bao nhiêu thì cân từng đấy, tuyệt đối không cân quá trọng lượng cho phép.  Bộ trưởng cho rằng nếu Tân Cảng đã cam kết đảm bảo xếp hàng đúng tải thì sẽ cho bỏ trạm cân, không cần cân nữa. Việc này cũng giúp lưu thông xe dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Tổng công ty Tân Cảng cũng chủ động đề xuất giải pháp ký hợp đồng với các cảng xung quanh để khi lượng hàng quá lớn thì yêu cầu các cảng như cảng SBC, SPCT, Tân Thuận, Sài Gòn hỗ trợ phân tải bớt.

Về dài hạn, Bộ GTVT cũng hướng đến việc cải thiện và đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường vành đai 2, tổ chức thi công và điều phối giao thông phù hợp. Tăng cường lực lượng kiểm soát, ứng trực tại chỗ. Khi xảy ra sự cố là giải quyết ngay, một xe bị sự cố phải có xe cứu hộ xử lý ngay tránh việc gây ùn ứ.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ cao tốc Long Thành-Dầu Giây để kịp thông xe trước Tết Nguyên đán, đảm bảo kết nối giữa Cảng với xa lộ Hà Nội. Sở GTVT TPHCM cũng đang nghiên cứu phương án làm cầu vượt kết cấu thép (không phải thép nhẹ) để thi công nhanh và gọn gàng, không làm ảnh hưởng tới lưu thông xe cộ. Đồng thời, việc đẩy nhanh công bố tuyến vận tải ven biển giữa khu vực cảng Sài Gòn với các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long để giảm lượng hàng hóa đi bằng đường bộ ra vào cảng cũng là giải pháp quan trọng. Bộ GTVT cũng đã đồng ý để Tân Cảng thực hiện nạo vét luồng lạch cho tàu bè đi vào thuận tiện hơn.

Ông có đề cập đến đường đi vào Tân Cảng–Cát Lái đang thi công. Xin hỏi khi nào công trình này sẽ hoàn thành và việc di rời trạm cân khi nào được thực hiện?

Trong tháng 8 sẽ hoàn thành sửa chữa đường vành đai 2 và việc di rời trạm cân đã thực hiện ngay trong ngày 1/8.

Tôi cũng khẳng định khi các cảng thực hiện cân hàng từ gốc, thì không cần trạm cân nữa. Nhưng Bộ trưởng đã tuyên bố nếu phát hiện xe chở quá tải xuất phát từ các cảng đã cam kết, bao gồm Cảng Cát Lái, thì sẽ xử phạt nghiêm. Thậm chí nếu vi phạm nhiều lần sẽ xử phạt liên quan tới giấy phép kinh doanh cảng biển.

Tuy nhiên, Bộ GTVT nói chung cũng như Bộ trưởng Đinh La Thăng rất tin tưởng các DN, đặc biệt là Tổng công ty Tân Cảng là DN thuộc Bộ Quốc phòng thì luôn gương mẫu.

Phan Trang – Công Việt (thực hiện)

Top